Nâng cao tính phản biện của báo chí

Thứ năm, 22/06/2017 12:05
(ĐCSVN) - “Phản biện xã hội” là thuật ngữ lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng. Văn kiện nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”.

Trong Khoản 2, Điều 11, Chương II, Luật Báo chí 2016, về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân cũng ghi rõ: Báo chí có quyền “Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Ảnh minh họa.
Từ nhu cầu khách quan…

Theo giới nghiên cứu, trong xã hội hiện đại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, với sản phẩm siêu kết nối, nhu cầu nắm bắt và trao đổi thông tin lớn hơn bao giờ hết. Điều đó khiến báo chí ngày càng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của con người.

Với xu hướng đồng sở hữu công nghệ thông tin hiện đại, việc tuyên truyền mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để người dân thấu hiểu luôn luôn là một chức năng quan trọng, hàng đầu của báo chí cách mạng nước ta. Tuy nhiên, nhu cầu được hiểu một cách thực chất, thấu đáo qua phân tích của giới chuyên gia và người dân ngày càng không thể thiếu.

Vì thế, người làm báo không chỉ thuần túy tiếp nhận những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… mà còn cần có khả năng phân tích, phản biện xã hội để góp phần giúp cho các nhà hoạch định chiến lược, chính sách và quản lý xã hội ở tất cả các cấp nhằm tìm ra được những quan điểm, chủ trương, giải pháp chính xác, có hiệu quả cao nhất cho địa phương và đất nước.

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh: Cùng với các nhà chuyên môn có uy tín trong nhiều lĩnh vực xã hội, giới báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc phản biện xã hội, giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp thu điều chỉnh lại nhiều chủ trương, quyết sách có lợi cho sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân.

Một số vấn đề được xã hội ghi nhận trên thực tế như: Vấn đề nạo vét Hồ Tây, Hồ Gươm, xây trung tâm thương mại, bãi để xe trong khuôn viên công viên Thống Nhất, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, xử lý cầu Long Biên, sân bay Tân Sơn Nhất, khu du lịch Sơn Trà (Đà Nẵng)…

Đến điều kiện xã hội…

Với sự bùng nổ thông tin và phương tiện siêu kết nối khiến sự tương tác giữa các chủ thể và khách thể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều được nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi trên các kênh báo chí và mạng xã hội. Vì thế, báo chí ngày càng có điều kiện để thực hiện chức năng phản biện xã hội, thông qua “đào xới”, thậm chí đặt ngược vấn đề ở mọi khía cạnh để chỉ ra cái hay, cái dở, cái lợi, cái hại, thậm chí cái không hợp lòng dân, cái sai phạm hay phản tác dụng của một chủ trương, giải pháp nào đó... để người dân thấu hiểu và có quyết định đồng tình hay đóng góp ý kiến có cơ sở khoa học, thực tiễn và xây dựng lòng tin thực chất hơn.

Theo đó, những quy định bất khả thi, không có khả năng đi vào cuộc sống nếu không có sự phản biện ắt là sẽ dẫn đến sự khiên cưỡng và hệ lụy khó lường. Từ thực tiễn mấy năm qua cho thấy, đã từng ra đời những quy định không phù hợp vừa ban hành đã phải nhanh chóng bãi bỏ. Chẳng hạn như quy định: Cấm bán thịt quá 8 giờ kể từ lúc giết mổ, quy định cỗ cưới không quá 300 người (50 mâm), cấm gạt tàn thuốc lá lung tung, không bán rượu bia quá 22 giờ đêm…

Nhiều bất ổn trong ngành Giáo dục như: Cấu tạo chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học lên đến đại học, trong việc biên soạn sách giáo khoa, trong việc mở trường và đào tạo ồ ạt ở hệ đại học, có quá nhiều thạc sỹ, tiến sỹ kém chất lượng; việc dạy thêm, học thêm, thu tiền không đúng quy định… Qua đó, giới chuyên môn giáo dục và báo chí cũng tạo ra sự tương tác với độc giả,  vừa đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, vừa tạo được sự đồng thuận của người dân.

Theo giới phân tích, phản biện không có nghĩa là đặt lại vấn đề để gây khó cho chủ thể hoạch định chủ trương, chính sách mà còn giúp cho công việc thực thi được thuận lợi và hiệu quả hơn. Vì thế, phản biện xã hội thực sự là cần thiết khi vấn đề nào đó chưa được làm sáng tỏ, chưa hé lộ cơ hội thành công hay thất bại, thì càng cần những người thực hiện phản biện phải có cả cái tâm và cái tầm tương ứng.

Và những yêu cầu ngày càng cấp bách

Hiện nay, trong làng báo Việt Nam đã có không ít tờ báo đã dành những diện tích đáng kể để đăng tải những nội dung mang tính phản biện. Thậm chí có tờ báo còn đặt hẳn tên chuyên mục là “Phản biện”, vì phản biện xã hội thực sự xuất phát từ động cơ trong sáng, chân chính là góp tiếng nói vào việc nhìn nhận mọi vấn đề của xã hội một cách đa chiều để rồi tìm ra giải pháp xử lý vấn đề một cách tốt nhất, có lợi nhất cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân.

Mặc dù trong xã hội hiện vẫn còn một số cá nhân, tổ chức nhân danh cái gọi là “trách nhiệm công dân”, lợi dụng phản biện xã hội để cố tình đặt ra những vấn đề đi ngược lại chính sách của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân. Thực chất là họ tìm cách chống phá, lật đổ chế đô XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Cần nhận rõ, phản biện xã hội khác với chống đối, phá hoại, tạo nên sự đối trọng giữa Đảng và nhân dân; nhân dân với quân đội, công an... Vì thế, cần nhận rõ diện mạo, thực chất của cái gọi là "nhu cầu phản biện xã hội" của những thế lực chống đối này để phân biệt với những chuyên gia nghiên cứu, giới trí thức chân chính, thực tâm muốn đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, phản biện xã hội là xuất phát từ nhu cầu khách quan của sự tiến bộ xã hội cả về nhận thức và phương tiện hiện đại. Vì thế, nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo và những người hưởng thụ sản phẩm báo chí đều nhận thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là đóng góp vào thắng lợi của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực