Nâng cao văn hóa ứng xử trong lễ chùa đầu năm

Thứ năm, 14/02/2019 17:45
(ĐCSVN) – Lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh luôn được duy trì trong mỗi người dân Việt Nam. Người ta đến chùa để hướng về cõi Phật, cầu cho một năm mới bình an, may mắn, giúp họ vượt qua những khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Đây được xem là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt hàng ngàn năm qua.

Cầu xin những điều tốt lành. Ảnh: dukhach.net

Nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh

Đối với người Việt Nam, lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người Việt Nam vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc.

Cũng chính vì thế, phong tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi người dân Việt Nam bao đời nay. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm là về nơi cửa Phật, không đơn giản chỉ để mong muốn và ước nguyện, mà còn là lòng tin và những khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời – đất. Khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hòa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Việc đi lễ chùa không chỉ giúp cho người dân Việt Nam giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mĩ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội. Bởi vậy lễ chùa đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh mà còn mang một giá trị nhân văn cao cả.

Khi cuộc sống ngày càng hối hả, tất bật, bon chen, nhiều áp lực… thì con người lại càng muốn tìm về chốn linh thiêng, thanh tịnh.

Ứng xử có văn hóa trong lễ chùa

Ứng xử văn minh, lịch sự nơi đông người, nhất là ở những nơi linh thiêng, trang trọng là điều mà hầu hết mọi người đã được định hướng, giáo dục. Xả rác bừa bãi, ăn nói khiếm nhã, hút thuốc lá, ăn mặc phản cảm, hành động thô bạo..., ở chốn tôn nghiêm vẫn diễn ra bởi một bộ phận người dân thiếu ý thức. Sự biến tướng của lễ hội hôm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có cả trách nhiệm thuộc về những người quản lý và những người tham dự lễ hội. Khi đi lễ chùa trở thành một nét đẹp và mang lại giá trị văn hóa đậm chất Việt Nam thì những hình ảnh không hay làm trái giáo lý nhà Phật cũng như xóa nhòa bản chất văn hóa tâm linh đã phần nào làm giảm giá trị văn hóa đích thực của việc đi lễ chùa.

Đi chùa đầu năm mới đã trở thành lễ hội tâm linh được dân gian hóa. Tuy nhiên chính con người với hành vi không chuẩn mực đã làm hoen ố và mất đi phần nào ý nghĩa nhân văn của việc đi lễ chùa đầu năm. Nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng một bộ phận người Việt do thiếu hiểu biết về tín ngưỡng nói chung và về đạo Phật nói riêng, đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với chùa chiền? Có thể nói, chùa là một ngôi trường dạy về đạo Phật, là nơi truyền bá tư tưởng của đức Phật. Do vậy, đến cửa chùa là phải tâm lành ý thiện. Không phải dâng lễ to, cúng hoành tráng là thực hiện được ước nguyện. Và đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc nếu chúng ta không biết rõ giá trị cuộc sống hay hành xử không theo pháp luật cũng như đúng đạo lý làm người. Muốn nhanh làm quan to để có bổng lộc hay muốn làm giàu nhanh mà bất chính, muốn hưởng thụ mà không lao động, triết lý nhà Phật không phổ độ chúng sinh cho những người như vậy.

Và nếu như không có sự thay đổi trong thái độ đi chùa thì có lẽ chúng ta đang đánh mất dần đi nét đẹp truyền thống cũng như phần nào giảm bớt đi lòng thành với cửa Phật, với thánh thần tâm linh. Theo quan niệm của nhà Phật thì Đức Phật chỉ phù hộ an bình và che trở cho con Phật chứ không thể phù hết đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở và bảo vệ. Đặc biệt vào đình, đền ta có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm của mình để cả năm luôn được may mắn và thuận lợi nhất.

Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật sẽ góp phần nâng cao văn hóa và giá trị của các lễ hội gắn với chùa. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta bội thực với đủ các lễ hội hay với những điều phản cảm, đi kèm đã gây ấn tượng xấu trong xã hội suốt một thời gian dài. Mục đích của việc đi chùa là trải nghiệm đời sống văn hóa và tâm linh để thăng hoa nhận thức, sám hối những việc làm sai, tu tâm đức và thông qua đó cải thiện đời sống xã hội. Bản thân mỗi người cần gìn giữ và thanh lọc để đi lễ chùa trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực