Phát triển thị trường vốn và vấn đề đặt ra

Thứ hai, 06/06/2016 17:56
(ĐCSVN) - Thị trường tài chính Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng từ đầu những năm 1990, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Khu vực này đã làm tương đối tốt việc huy động tiết kiệm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong việc phân bổ tín dụng tới các khu vực sử dụng hiệu quả nhất và trong việc tạo lập hệ thống thanh toán bao phủ rộng rãi.

Phần lớn các khoản cho vay, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại quốc doanh được dành cho doanh nghiệp nhà nước, lấn át nguồn tín dụng cho những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong khu vực tư nhân trong nước. Độ bao phủ về tài chính đã tăng lên từ đầu những năm 1990 nhưng vẫn còn là một vấn đề đối với những người yếu thế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Ngành ngân hàng đang "vật lộn" sau khi hứng chịu cú sốc lớn do khủng hoảng tài chính toàn cầu làm suy sụp thị trường bất động sản, vì các ngân hàng đã cho vay kinh doanh bất động sản quá nhiều. Con số báo cáo về nợ xấu tăng nhưng vẫn bị coi là chưa đầy đủ; trích dự phòng rủi ro thấp hơn mức trung bình tại các nước thu nhập trung bình khu vực Đông Á. Nhiều khoản nợ xấu và khoản vay phải tái cơ cấu liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các ngân hàng tư nhân, giữa ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Mức độ tuân thủ với nguyên tắc cơ bản Basel (giám sát nghiệp vụ ngân hàng) có cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Còn nhiều ngân hàng không đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu để đối phó với rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động theo Basel II, trong khi đất nước đang hướng tới Basel III. Thanh tra tại chỗ còn hạn chế, nhất là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước; còn thiếu giám sát toàn diện ngân hàng. Ngoài ra, giám sát từ xa cũng cần phải tăng cường.

Để phát triển hệ thống tài chính trong vòng 20 năm tới, theo một số chuyên gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cần tăng cường giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính. Việt Nam sẽ ứng phó nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng nếu Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia được tăng cường. Hội đồng cần họp thường xuyên với sự hỗ trợ của một đội ngũ chuyên môn tâm huyết có thể đưa ra báo cáo, khuyến cáo và chỉ dẫn kịp thời cho ngân hàng. Thông tin về hệ thống tài chính phải được cải thiện nhờ những thông tin từ xa và sự giám sát của ngân hàng nhà nước (NHNN). Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng và tạo khung khổ pháp lý sẽ cải thiện khả năng ứng phó với khủng hoảng trong trường hợp có vấn đề về giảm tính thanh khoản hay mất khả năng thanh toán. Cần tăng cường nguồn lực cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) và cho phép DIV thực hiện giao dịch mua tài sản của các ngân hàng yếu kém. Muốn vậy cần chuyển dần cơ cấu vốn DIV từ vay ngân hàng sang nợ Chính phủ và sửa luật cho phép Chính phủ vay NHNN thay cho DIV khi có khủng hoảng nghiêm trọng, theo các điều khoản được xác định rõ ràng.

Tập trung phát triển khu vực tài chính với qui mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn. Muốn vậy cần tiếp tục tăng vốn ngân hàng và mở rộng ngành tài chính. Thách thức trước hết là phải giải quyết được khối nợ xấu lớn đang treo trên đầu các ngân hàng với bước đầu tiên là nhờ các công ty kiểm toán quốc tế có uy tín thực hiện kiểm toán, bao gồm cả kiểm toán hoạt động, kiên quyết áp dụng các chuẩn mực cẩn trọng, không buông lỏng quản lý. Đối với các ngân hàng hoạt động lành mạnh và tốt có thể giải quyết nợ xấu bằng cách bán trực tiếp tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu, và tạo đủ cơ chế pháp lý cho phép chuyển nợ xấu và tài sản thế chấp sang Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) quản lý và xử lý. Cần đóng cửa, sáp nhập các ngân hàng mất khả năng thanh toán với các ngân hàng tốt hoặc bán các ngân hàng đó (trực tiếp hoặc thông qua VAMC).

Để nâng cao hiệu quả ngành ngân hàng trong tương lai, cần đảm bảo thực thi tốt hơn các quy chế đã được hoàn thiện cũng như giám sát rủi ro của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước và rủi ro của các định chế bán tài sản như công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Bước tiến lớn ở đây là áp dụng giám sát cẩn trọng vĩ mô và tăng cường giám sát từ xa. Việc nữa là chuyển dần sang áp dụng các quy tắc và chuẩn kế toán quốc tế. Việc thực thi các quy tắc Basel III đòi hỏi ngân hàng phải có nhiều vốn hơn, bao gồm cả vốn dự phòng rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, giảm được sự mạo hiểm thái quá của chủ ngân hàng trong bối cảnh một số ngân hàng còn đang khó khăn để thực hiện các yêu cầu của Basel II. Một lĩnh vực khác cần quan tâm là tăng cường thu thập thông tin về các tập đoàn kinh doanh nhằm giảm bớt tình trạng cho vay dựa trên quan hệ riêng tư và sở hữu chéo.

Quá trình phát triển thị trường vốn theo chiều sâu cần bắt đầu từ thị trường nợ chính phủ sẽ đòi hỏi phải thay đổi khung pháp lý và kế toán theo chuẩn quốc tế. Các nguyên tắc kế toán phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế sẽ làm cho thị trường vốn hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng như tại phần lớn các nước đang phát triển, sự phát triển của các định chế tiết kiệm theo hợp đồng (như các công ty bảo hiểm) chỉ mới hình thành ở Việt Nam, song vai trò của các định chế này sẽ tăng lên trong 20 năm tới khi nền kinh tế được hiện đại hoá. Sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các công ty bảo hiểm tùy thuộc vào mức độ minh bạch về kế toán.

Việt Nam đã khá thành công trong cho vay cá nhân. Năm 2015, 18% dân số Việt Nam vay mượn từ một thể chế tài chính, tăng so với 16% năm 2011. Tuy vậy, dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam chủ yếu thông qua các định chế tài chính, trong khi tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và các công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình thấp. Sử dụng điện thoại di động sẽ giúp mở rộng độ bao phủ dịch vụ chuyển tiền và gửi tiền với chi phí thấp hơn. Mặc dù Việt Nam còn phải thay đổi nhiều quy chế, cả về tài chính lẫn viễn thông, song đây chính là cách tận dụng lợi thế của một đất nước có lượng lớn thuê bao điện thoại di động. Độ bao phủ tài chính cũng đòi hỏi phải có thông tin tín dụng tốt hơn về người vay.

Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng, phát triển nhanh các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Phát triển nhanh dịch vụ thanh toán một cách an toàn, hiệu quả, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ thẻ thanh toán trên cơ sở đẩy mạnh hiện đại hoá công nghệ, hệ thống thanh toán và tăng các tiện ích thẻ thanh toán, điểm chấp nhận thẻ…

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực