Những thông tin cần biết về phong trào thi đua yêu nước

Thứ ba, 24/11/2015 19:29

(ĐCSVN) - Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành tài liệu hỏi - đáp nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về phong trào thi đua yêu nước.

Câu 1: Bối cảnh ra đời và ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Trả lời:

- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc ta phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”.

- Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng, động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; có tác dụng hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Đó là những quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước của Đảng và Nhà nước ta trong gần 70 năm qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Câu 2: Vai trò của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam?

Trả lời:

- Khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

- Thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người; góp phần phát triển tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho sự nghiệp cách mạng; khơi dậy lòng yêu nước, bồi dưỡng nhân cách; nâng cao tính tích cực xã hội trong mỗi con người.

- Phổ biến và nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong toàn quốc; tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai các nhiệm vụ chính trị; rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn.

- Là một trong những hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; hướng quần chúng hành động để đạt các mục tiêu cách mạng.

Câu 3: Tại sao nói thi đua yêu nước là sự nghiệp của quần chúng, là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân?

Trả lời:

- Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là sự nghiệp tự giác của hàng triệu quần chúng. Phát động các phong trào thi đua yêu nước là một biện pháp nhằm cổ vũ, thổi bùng phong trào tự giác cách mạng, phát huy tài năng, sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của quần chúng; phát huy nhân tố con người để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, là người dân yêu nước đều phải có nghĩa vụ tích cực thi đua, biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực.

- Phong trào thi đua yêu nước khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước. Là người dân yêu nước, không cam chịu để đất nước đói nghèo, lạc hậu... mà phải coi đó là trở ngại, phải kiên quyết vượt qua. Mỗi người đều phải có trách nhiệm tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát huy mọi nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Thi đua là quyền lợi của mỗi người dân yêu nước; là môi trường tốt để mọi người được tôi luyện, trưởng thành. Trong phong trào thi đua, quyền làm chủ, sự năng động và sáng tạo của mỗi người được phát huy, mọi người đều được bình đẳng trong cống hiến và trong hưởng thụ, được tập thể tôn trọng. Mỗi sáng kiến mới, việc làm tốt đều được xã hội trân trọng tôn vinh. Thông qua các phong trào thi đua, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển; đời sống mỗi người được nâng lên cùng với sự phát triển của đất nước.

Câu 4: Làm thế nào để nuôi dưỡng và phát triển các phong trào thi đua yêu nước?

Trả lời:

Để nuôi dưỡng và phát triển các phong trào thi đua yêu nước, cần chú ý những nội dung cơ bản sau đây:

- Chọn đơn vị làm điểm, chọn điển hình để phát động thi đua, qua đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo ra diện rộng.

- Phát hiện, bồi dưỡng, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và nhân tố mới; cổ vũ, động viên mọi người ra sức thi đua đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến, tạo nên phong trào thi đua trong từng đơn vị cũng như trên phạm vi cả nước.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân tiêu biểu, đúc rút bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, đưa phong trào thi đua yêu nước lên một tầm cao mới.

Câu 5: Tên một số phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu hiện nay?

Trả lời:

Hiện nay, nhân dân cả nước đang ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Các ngành, các giới, cách lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, tiêu biểu như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh” (nông dân);Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (Cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” ...

Câu 6: Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hiện nay như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng:

- Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức.

- Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kim tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

- Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ, tiến độ triển khai, nhất là đối với các phong trào lớn và mới; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào.

- Gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...

Câu 7: Đổi mới công tác khen thưởng hiện nay như thế nào?

Trả lời:

- Bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng.

- Ðề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.

- Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.

- Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến và thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công lao, thành tích, cống hiến trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.

- Chủ động xem xét, khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng của Việt Nam, có nhiều thành tích trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

- Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

Câu 8: Các kỳ đại hội thi đua yêu nước toàn quốc từ khi có Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay?

Trả lời:

Từ khi có Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/6/1948 đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiến hành 8 kỳ đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, cụ thể là:

1. Đại hội lần thứ nhất diễn ra từ ngày 01 đến ngày 06/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc, có trên 154 chiến sĩ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm.

2. Đại hội lần thứ hai diễn ra từ ngày 07 đến ngày 08/7/1958 tại Hà Nội, có trên 450 đại biểu tham dự. Đại hội lần này đánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa...

3. Đại hội lần thứ ba diễn ra từ ngày 04 đến 06/5/1962 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1060 đại biểu anh hùng, chiến sỹ thi đua. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

4. Đại hội lần thứ tư diễn ra từ ngày 06 đến 07/1/1967 tại Hà Nội, có trên 500 đại biểu tham dự. Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

5. Đại hội lần thứ năm diễn ra từ ngày 16 đến ngày 17/1/1986 tại Hà Nội. Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986-1990.

6. Đại hội lần thứ sáu diễn ra từ ngày 21 đến 24/11/2000 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có trên 900 đại biểu là Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Đây là Đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, của phong trào thi đua yêu nước trong 15 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, động viên, cổ vũ tinh thần thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng.

7. Đại hội lần thứ bảy diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/10/2005 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có trên 1270 đại biểu. Đại hội kiểm điểm việc triển khai thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

8. Đại hội lần thứ tám diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28/12/2010 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1500 đại biểu. Đại hội diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Câu 9: Chủ đề, mục đích, nội dung của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX?

Trả lời:

- Chủ đề của Đại hội là: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

- Mục đích của Đại hội: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2016-2020; biểu dương kết quả các phong trào thi đua yêu nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực trong 5 năm qua; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị số 34-CT/TW của bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013.

- Đại hội sẽ tổ chức vào ngày 6-7 tháng 12/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, có khoảng 2000 đại biểu tham dự. Ngoài những nội dung chính của Đại hội, sẽ có nhiều hoạt động khác như: triển lãm ảnh về Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước và các kỳ Đại hội thi đua yêu nước; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; chiếu phim, giao lưu các điển hình tiên tiến...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực