Thông tin phải có trách nhiệm với sự phát triển của xã hội

Thứ ba, 06/08/2013 10:31

Gần tới ngày 1-9-2013 - ngày Nghị định 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định 72) có hiệu lực, các thế lực thù địch, một số cá nhân và một số tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam  trong đó có tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) càng tăng cường tuyên bố xuyên tạc, vu khống coi đây là "cuộc tấn công tàn khốc nhất nhắm vào quyền tự do thông tin"! Vậy thực chất vấn đề là gì, tại sao họ lại phê phán Nghị định 72?

Từ khi Chính phủ Việt Nam công bố "Dự thảo Nghị định Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng" để thảo luận, hoàn chỉnh, tới khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký quyết định ban hành Nghị định 72, đã xuất hiện một số đánh giá có tính chất vu cáo trong đủ loại tuyên bố, thông cáo, tin bài của RSF, Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), RFA, BBC, VOA,... và một số văn bản nhân danh "tự do ngôn luận" gửi tới nơi này, nơi khác. Càng gần tới ngày Nghị định 72 có hiệu lực, sự xuyên tạc, vu khống càng tăng lên. Những người quan tâm không thể không đặt câu hỏi: Tại sao Nghị định 72 với 46 Ðiều đã tạo ra hành lang pháp lý để khắc phục các tồn tại và bất cập trong quản lý internet, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền tác giả, để internet phát triển một cách lành mạnh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của sự phát triển xã hội - con người,... mà họ chỉ chủ yếu quan tâm tới khoản 4 Ðiều 20 với nội dung: "4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp"?

Trước hết cần khẳng định, Ðiều 20 của Nghị định 72 có mục đích phân loại, đưa ra định nghĩa tương ứng với từng loại trang thông tin điện tử, gồm: báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành. Với tính cách phân loại và định nghĩa, Ðiều 20 giúp khu biệt sự khác nhau giữa các trang thông tin điện tử, hoàn toàn không bao hàm ý nghĩa cấm đoán, ngăn chặn và phải nói rằng, khoản 4 Ðiều 20 đưa ra một định nghĩa chính xác, phù hợp với tính chất trang thông tin điện tử cá nhân. Vì thế, nếu cá nhân biến trang thông tin điện tử cá nhân thành nơi cung cấp thông tin tổng hợp, thì nó không còn là trang thông tin điện tử cá nhân nữa, mà đã trở thành trang thông tin điện tử tổng hợp (theo khoản 19 Ðiều 3 Nghị định 72: "Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội"). Khẳng định trang thông tin điện tử cá nhân không phải địa chỉ "cung cấp thông tin tổng hợp" là nhấn mạnh trách nhiệm của chủ thể và sự lành mạnh, trung thực của trang điện tử cá nhân, đặc biệt là việc chịu trách nhiệm với các bình luận, comment. Về khoản 4 Ðiều 20 Nghị định 72, một nhà báo đã nhận xét: "Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng lấy lại tin bài trên các báo, đăng nguyên văn mà không xin phép, rồi đôi lúc còn sửa đổi nội dung, giật tít mang tính câu khách của nhiều trang mạng. Ðây là chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà báo chí đã lên tiếng trong thời gian qua". Ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rõ hơn: "Thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý. Hay, thông tin của các cơ quan Ðảng, Nhà nước hoặc của các tổ chức, không thể lấy đưa lên rồi làm thành tin tức của mình được. Ðấy là quy định chung về Luật Dân sự, quy định của pháp luật về Luật Sở hữu trí tuệ". Như vậy, không thể xuyên tạc nội dung điểm 4 Ðiều 20 Nghị định 72 là sự cấm đoán, càng không thể coi đó là "điều khoản mơ hồ". Phải hiểu rằng điểm 4 Ðiều 20 Nghị định 72 đã tiếp cận vấn đề một cách khoa học, phù hợp với tính chất đối tượng, và yêu cầu phải tôn trọng bản quyền. Nếu RSF chỉ dựa vào khoản 4 Ðiều 20 rồi cho rằng Nghị định 72 là "cuộc tấn công tàn khốc nhất nhắm vào quyền tự do thông tin" thì chính RSF đã đưa ra một luận điệu xuyên tạc sự thật, và họ nên biết xấu hổ vì đã sử dụng ý kiến đó để phê phán Việt Nam! 

Từ khi blog, trang mạng xã hội như facebook, twitter,... ra đời, con người có thêm nhiều phương tiện để kết nối, giao lưu, bày tỏ suy nghĩ cá nhân, tìm hiểu, khám phá,... Nhưng cũng từ đây, loài người lại phải đối diện với một số vấn nạn mới có nguồn gốc từ internet, và công chúng được biết vô vàn tin tức như: năm 2004 tại Pháp: "vì chỉ trích thị trưởng thành phố Puteaux trên blog và do lời lẽ chỉ trích quá đà nên blogger Christopher đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ"; năm 2006 "cảnh sát Ý phạt tiền blogger 59 tuổi Roberto Mancini 16.900 USD vì tội nói xấu người khác"; năm 2007, James Buss - giáo viên ở Trường trung học Milwaukee, bị cảnh sát Mỹ bắt giữ "vì vào blog của các nhà chính trị bang Wisconsin với lời bình mang biệt danh "người quan sát" cho rằng giáo viên Mỹ được trả lương cao nhưng lười biếng và khen vụ một thiếu niên xả súng ở Trường trung học Columbine làm 12 học sinh và một giáo viên thiệt mạng"; năm 2009 tại Pháp, "Quốc hội nhất trí thông qua dự luật "Sáng tạo và internet" (Hadopi) với hy vọng dự luật mới sẽ giúp bảo vệ quyền tác giả, kiểm soát mạng internet, chấm dứt tình trạng sao chép, copy tác phẩm âm nhạc, phim ảnh tràn lan"; năm 2013 tại Bangladesh, ba blogger bị bắt giữ vì tội công kích các nhóm tôn giáo khác nhau trong bài viết của họ... Mollah Nazrul Islam, Phó chỉ huy cảnh sát thủ đô Dhaka, nói: "Các bài viết của họ vi phạm Luật Truyền thông và thông tin 2006. Nếu được chứng minh có tội, họ sẽ bị phạt 10 năm tù giam, 10 triệu taka (125.000 USD)"; năm 2013: "Bộ Nội vụ Anh thông báo quyết định cấm hai blogger chuyên vận động chống Hồi giáo được nhiều người biết đến ở Mỹ, Pamela Geller và Robert Spencer, nhập cảnh nước này để tham gia cuộc tuần hành do nhóm cực hữu Liên đoàn phòng vệ Anh (EDL) tổ chức ngày 29-6";...

Ở Việt Nam, bên cạnh phần lớn blogger, facebooker sử dụng blog, trang facebook cá nhân làm địa chỉ thể hiện, giao lưu có ý tính văn hóa, lại có một số blogger sử dụng blog, trang facebook cá nhân làm nơi thực hiện hành vi thiếu văn hóa, bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác (đã xảy ra hiện tượng vì không chịu nổi sự xúc phạm trên facebook mà có người tự tử), đăng lại thông tin từ báo điện tử, trang thông tin tổng hợp nhưng không xin phép, thậm chí biến blog, trang facebook cá nhân thành nơi truyền bá quan điểm sai trái, nhân danh "phản biện" để xuyên tạc, công kích quan điểm, chính sách của Ðảng và Nhà nước, lôi kéo, hô hào, kích động sự chống đối... Thực trạng đó cho thấy, việc lành mạnh hóa và việc quản lý bằng pháp luật đối với internet là hết sức cần thiết, như ông Dominic Bray ở Công ty K&L Gates phát biểu trên The Guardian: "Internet không khác với bất kỳ ấn phẩm nào và nếu ai đó bình luận phỉ báng, bôi nhọ về người khác thì họ phải chịu trách nhiệm về nó. Luật pháp áp dụng với internet như với thế giới thực". Và Ðiều 5 Nghị định 72 quy định các hành vi bị cấm gồm: "1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b. Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d. Ðưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên internet của tổ chức, cá nhân. 3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng. 4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên internet. 5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên internet".

Các điều cấm trên đây thể hiện sự nghiêm túc, có trách nhiệm đối với sự phát triển của xã hội - con người, phù hợp với sự phát triển văn hóa, phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế, bảo vệ nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng, chỉ rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong khi hoạt động trên internet. Nếu quan tâm tới người làm báo, tới các blogger, facebooker lương thiện, đề cao đạo đức của người viết, chẳng lẽ RSF, CPJ, BBC, RFA, VOA,... cùng các tổ chức, cá nhân đã và đang phê phán Nghị định 72 lại phản đối các điều cấm kể trên? Phải chăng, vì muốn dung túng, bao che các tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam mà RSF lại coi các điều cấm này là "cuộc tấn công tàn khốc nhất nhắm vào quyền tự do thông tin", để từ đó can thiệp một cách lố bịch vào công việc nội bộ của Việt Nam? Nếu đúng vậy, thì không có ý nghĩa nào khác, RSF và các tổ chức, cá nhân phê phán, đánh giá tiêu cực về Nghị định 72 của Việt Nam đã có các quan niệm, hành vi đối lập, đi ngược lại sự phát triển, đồng thời cổ vũ, tiếp tay cho thái độ vô trách nhiệm của cá nhân trước xã hội và con người./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực