Ấn tượng với kết quả tăng trưởng, nhưng cần đảm bảo tính bền vững

Thứ sáu, 25/05/2018 13:01
(ĐCSVN) – Đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%, vượt chỉ tiêu đề ra; song cho rằng, cần xem xét lại chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng có thực sự bền vững?

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, trong đó kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Trong phiên họp, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 25/5. (Ảnh: ĐT)

Mở rộng đấu giá biển số xe đẹp

Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế, chưa thể hiện nguyện vọng của cử tri. Việc chậm ban hành các chính sách pháp luật gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Ví dụ như: Luật Quản lý tài sản công được Quốc hội khóa XIV quy định phải coi kho số điện thoại, biển số xe là tài sản quốc gia. Tuy nhiên, việc đấu giá biển số xe khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn lại chưa thu được đúng giá trị có thể đem lại.

Theo đại biểu, nếu đấu giá biển số xe đẹp có thể thu về 5.000 tỷ đồng. Theo tính toán, có tới 12% biển số xe thuộc loại đẹp, có thể mang bán đấu giá. Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo Nghị định đấu giá biển số xe, Chính phủ chỉ đấu giá những biển có 5 số trùng nhau, 4 số trùng nhau, 3 số trùng nhau… Như vậy chỉ được khoảng 1% tổng kho số.

"Như vậy, từ 12% biển số xe đẹp của dự thảo luật khi đến nghị định chỉ còn 1%. Khi cụ thể hóa chỉ thu được vài chục tỷ đồng so với con số 5.000 tỷ đồng. Tôi kiến nghị khi giao cho Chính phủ cụ thể hóa luật trong các nghị định; bộ, ngành trong các thông tư, Chính phủ cần cho đại biểu giám sát, theo đến cùng các vấn đề đại biểu quan tâm, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống", đại biểu Cảnh nói.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí. Theo đó, đại biểu đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.

Tăng trưởng có thực sự bền vững?

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhìn nhận bức tranh kinh tế sáng, tạo niềm tin cho cử tri, tạo đà cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên cần xem xét lại chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng có thực sự bền vững; tỷ trọng bền vững giữa các khu vực, thành phần như thế nào? Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có sự tăng trưởng, tính bền vững ra sao?

Chính phủ cần phân tích sâu vấn đề tăng trưởng GDP, chất lượng tăng trưởng để Quốc hội hiểu hơn, làm thế nào để đảm bảo tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Đề cập tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2018, đại biểu Xuân cho rằng, việc Chính phủ nêu "do những tháng đầu năm vướng nhiều ngày nghỉ lễ" là chưa thoả đáng, cần đánh giá đầy đủ hơn. "Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới", đại biểu Xuân nêu.

Ấn tượng với sự phát triển, nhưng cũng cần lưu ý “những khoảng lặng của tăng trưởng kinh tế”

Cho rằng kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng".

Cụ thể, đại biểu Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là: Tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô. Năm 2017, công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.

"Theo tính toán, 1 triệu tấn dầu góp 0,2 - 0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4 - 6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", đại biểu Hàm nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.

Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu.

"Mối liên kết cũng như việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với trong nước chưa đạt như mong muốn", đại biểu Hàm nhấn mạnh.

Đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra trong báo cáo "căn cơ, toàn diện", nhưng đại biểu cho rằng, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cần có ưu tiên, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường sáng 25/5. (Ảnh: ĐT)
 
Tranh luận với đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) về việc tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.

Dẫn số liệu Chính phủ gửi, đại biểu Chiểu nhấn mạnh quan điểm của mình là "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".

Quyết liệt xử lý các vấn đề xã hội bức xúc

Đánh giá cao thành tích phát triển kinh tế năm 2017 và đầu năm 2018, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng chia sẻ những điểm tích cực về kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng làm “nức lòng cử tri cả nước”...

Tuy nhiên, đại biểu Cầu cho rằng, từ thực tiễn cuộc sống, cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần phải làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn các vấn đề bức xúc.

Đề cập đến vấn đề đạo đức, kỷ cương phép nước, đại biểu Cầu nói, thời gian gần đây vẫn xảy ra những chuyện khó tin, mất nhân tính như: Thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau bảng, thảm án chết nhiều người...

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, cần phải có biện pháp xử lý cứng rắn, mạnh tay, trừng trị các hành vi mất nhân tính...

Không quan tâm đến văn hóa thì phát triển kinh tế là vô nghĩa

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) bày tỏ, có ý kiến cử tri cho rằng phát triển kinh tế chưa song hành với văn hóa, Chính phủ cần bình luận về vấn đề này. Cử tri kiến nghị, cần dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đây là yêu cầu bức xúc, khi những vấn đề đạo đức bị xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ trong xã hội.

Theo đại biểu Lưu Thành Công, kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến văn hóa thì chúng ta tự đánh mất mình, việc phát triển kinh tế là vô nghĩa. Nếu làm tốt vấn đề này có thể khắc phục được các vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, bệnh vô cảm, giảm tệ nạn xã hội, việc quản lý Nhà nước dễ dàng hơn.

Cũng đề cập đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiệp hiện khá đơn điệu; sự tiếp cận, mức hưởng thụ các sản phẩm văn hóa của công nhân là không đáng kể; đời sống văn hóa của công nhân và tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp dường như tỷ lệ nghịch với nhau…

Để bảo đảm mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát triển đời sống vật chất hài hòa với phát triển đời sống tinh thần, đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị, Chính phủ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách để phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn cơ sở trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người công nhân; tạo điều kiện thuận lợi để người công nhân được tiếp cận các sản phẩm văn hóa, tham gia nhiều hơn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh sắp xếp, tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực