" Làm rõ 3 đặc khu sẽ mang lợi ích gì cho đất nước?"

Thứ hai, 16/04/2018 16:06
(ĐCSVN) – Phải trả lời được câu hỏi là 3 đặc khu sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu được gì? Có thể trong ngắn hạn phải bỏ tiền ra đầu tư, nhưng trong dài hạn phải bảo đảm được kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, sáng ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi thời gian qua việc nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương đã được dành thời lượng thích đáng, nhưng vấn đề kinh tế lại chưa được thảo luận kỹ. Trong khi mục tiêu chính của 3 đặc khu này là tạo ra hoạt động kinh tế, động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, tạo sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở các đặc khu, do đó, nên tập trung thảo luận sâu về kinh tế, tài chính, ngân sách.

Theo đồng chí Phùng Quốc Hiển, đã là kinh tế thì vấn đề hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy phải trả lời được câu hỏi là 3 đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu được gì? Trong ngắn hạn đồng tình hiệu quả có thể chưa đem lại nhưng dài hạn phải thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và giải trình của Chính phủ chưa nói rõ chúng ta sẽ xử lý vấn đề kinh tế, hiệu quả như thế nào.

Đặc biệt, đồng chí đề nghị phải làm rõ các nguồn lực cụ thể. Đồng chí phát biểu: “Có thông tin các đặc khu này muốn phát triển cần hơn 1 triệu tỉ, vậy quá trình này ngân sách của chúng ta trong 3 năm tới của nhiệm kỳ này, 5 năm của nhiệm kỳ sau, 10 năm sau là bao nhiêu?... Nói phải đi đôi với thực hiện. Chưa kể phải tính các bài toán ngoài ngân sách bỏ ra trực tiếp còn miễn, giảm, giãn thì cũng là ngân sách hay việc xử lý những cái đã có đã được đầu tư như thế nào.”

Về chính sách đất đai, ông đồng tình với cơ chế thuê 70 năm, đặc biệt thì được 99 năm nhưng phải làm rõ thế nào là đặc biệt, tránh cho cơ chế đặc biệt tràn lan quá dẫn tới không đặc biệt nữa. Đồng thời cho rằng, đất đai cũng nên có chính sách miễn, giảm phù hợp, không nên miễn giảm quá mức.

Về chính sách thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình có nhiều điểm quy định để đảm bảo tính nổi trội nhưng đề nghị “phải tính kỹ nếu không cẩn thận thì chẳng thu được gì nhiều lắm so với số chúng ta bỏ ra, thậm chí không cẩn thận tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhất là sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn một cách tràn lan”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là luật khó, nhiều chính sách thử nghiệm, các quy định trong dự thảo Luật có thể khác với các luật khác nhưng phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và phù hợp chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo 3 vùng động lực chứ không phải để Nhà nước bỏ ra 1 triệu tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có 2 triệu tỷ đồng trong khi 3 đặc khu cần 1 triệu tỷ đồng thì cần xác định nguồn ở đâu, so với kế hoạch trung hạn thế nào để đảm bảo khả thi. “Vấn đề là thu hút đầu tư chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm... thuế, không thu khoản này khoản nọ. Mục đích cuối cùng là đặc khu ra để được cái gì đó, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến ưu đãi về đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước. Cần khắc phục tình trạng hiện nay ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư ở trong nước để tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đầu tư.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định thống nhất quan điểm chủ trương là ban hành luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Trước băn khoăn về hiệu quả của các đặc khu, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, cơ quan soạn thảo phối hợp với tổ chức tư vấn hàng đầu xây dựng 3 kịch bản đánh giá: một là không thành lập, hai là trung bình không có điều kiện tốt thuận lợi, ba là thành lập và có các yếu tố thuận lợi. Đồng thời khẳng định: “Kịch bản hai và ba đều cho thấy thu ngân sách từ 3 đặc khu cũng như đóng góp cho GDP hay thu nhập bình quân đầu người đều cao hơn nhiều so với việc không thành lập”.

Ngành, nghề nào ưu tiên phát triển tại các đặc khu?

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo, các ngành, nghề ưu tiên phát triển là nội dung mang tính trọng tâm, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách ưu đãi và các chính sách khác, do đó cần được quy định rõ trong dự thảo Luật và hạn chế mở rộng nhằm bảo đảm nguyên tắc ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của từng đặc khu; chỉ xem xét, bổ sung những ngành nghề thực sự cần thiết theo đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (sau khi đã cân nhắc kiến nghị của các địa phương).

Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát và thống nhất đề nghị: bổ sung, ngành nghề dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; bổ sung ngành, nghề sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong.

Dự luật cũng quy định quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án: cảng hàng không quốc tế (5.000 tỷ đồng), cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế (3.000 tỷ đồng).

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng 3 đặc khu này có vị trí địa lý, hình dáng, đặc tính dân cư cũng khác nhau; mục tiêu kinh tế của các đặc khu có những điểm giống và khác nên phải có ưu tiên phát triển khác nhau để phát huy lợi thế so sánh của từng đặc khu.

Đồng chí đánh giá các ngành nghề ưu tiên và danh mục ngành nghề ưu tiên còn chồng lắp, có danh mục không phải lợi thế của khu vực đó mà cũng đưa vào. “Vân Đồn có trở thành Thung lũng Silicon được không? Theo tôi cũng khó chứ không dễ, chưa kể các vấn đề nhạy cảm khác. Do vậy, Vân Đồn phải trở thành một khu vực thiên đường mua bán và trao đổi hàng hóa tự do, chế biến nông sản, hàng hóa của Việt Nam đi ra khu vực và tiếp nhận hàng hóa vào. Nổi bật nhất của Vân Đồn phải phát huy các loại hình du lịch như sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch giải trí, trong đó có câu chuyện casino… Vân Đồn có thể trở thành cảng biển thương mại hay không cũng còn tính đến vì có Cái Lân, ở Hải Phòng cũng có một số cảng” –  đồng chí ví dụ.

Từ đó,  Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải rà soát lại các quy định và quan điểm là “không quá cụ thể để tránh bó hẹp nhưng cũng không mở rộng quá để tránh tràn lan”.

Trong khi đó, với việc dự luật đưa ra quy mô vốn đầu tư tối thiểu: 5000 tỷ đồng với cảng hàng không quốc tế, 3000 tỷ đồng với cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích, Vân Đồn có nhà đầu tư rồi, Phú Quốc có sân bay hoàng tráng rồi, Vân Phong cũng có cảng và sân bay Cam Ranh rồi, giờ mục đích để thu hút vào cảng hàng không của 3 đặc khu này có ý nghĩa nữa không?.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng: “Các mức giá trên đưa ra theo thời giá của những năm trước đây, giờ định thu hút thêm vào cảng mà chỉ 3000 tỷ đồng thì có cảng xứng đáng với đặc khu không? Những khu hành chính đặc biệt thì cần những công trình, dự án đặc biệt. Tôi muốn nâng thêm mức này lên để có công trình, dự án xứng đáng với đặc khu đặc biệt”.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trên cơ sở các ngành nghề ưu tiên do các địa phương đề nghị, cơ quan soạn thảo và tổ chức tư vấn quốc tế lựa chọn ra các ngành nghề ưu tiên mang tính cạnh tranh ở 3 đặc khu để đảm bảo có những ngành nghề khác biệt nhưng đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, phù hợp 3 đặc khu.

Theo Bộ trưởng, có duy nhất trường hợp đề nghị bổ sung thêm ngành nghề ưu tiên mà không được đồng ý là tỉnh Kiên Giang đề nghị đưa ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao vào Phú Quốc.

Bộ trưởng cũng cho biết, quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án cảng hàng không quốc tế, cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế quy định đã được tính toán trên số liệu về suất đầu tư và quy mô mốn đầu tư cùng loại ở nước ta./.

 

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực