Cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm về tài nguyên nước và khoáng sản

Thứ hai, 29/07/2019 16:36
(ĐCSVN) - Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường hiện nay.

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Thủy Nguyễn)

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  vừa tổ chức cuộc họp Họp Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Theo đó, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Tuy nhiên, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản diễn biến phức tạp, có nhiều sự cạnh tranh; bên cạnh đó các yếu tố như biến đổi khí hậu, nhu cầu khai thác khoáng sản tăng cao, sức ép từ các nguồn nước từ nước ngoài,… dẫn đến cần phải có sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, nội dung đề nghị bổ sung chủ yếu thuộc quy định về hoạt động khai thác khoáng sản, quy định về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản;…

Nhiều nội dung được đề nghị bổ sung, chỉnh sửa chủ yếu thuộc các quy định liên quan đến quan trắc, giám sát, hành nghề khoan nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;… Trong đó tập trung vào việc bổ sung hình thức phạt bổ sung đối với hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự an toàn xã hội hoặc tái phạm, vi phạm nhiều lần; hành vi sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận bằng văn bản; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi không nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều chỉnh mức phạt tiền cho phù hợp đối với trường hợp vi phạm các quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã đóng góp ý kiến trực tiếp vào các đề xuất sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định; đồng thời đề nghị bổ sung một số hành vi liên quan đến chế độ báo cáo, thống kê khoáng sản; cần phân định rõ từng mức độ xử phạt đối với từng hành vi vi phạm phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra nhằm đảm bảo hiệu quả khi triển khai trong thực tiễn; sửa đổi một số hình thức xử phạt là cảnh cáo đối với các vi phạm có mức độ nhỏ hoặc vi phạm lần đầu và tăng mức phạt trong trường hợp tái phạm; bổ sung quy định xử phạt hành chính để tăng tính răn đe…

Trên tinh thần đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ chủ động rà soát để bổ sung, sửa đổi đầy đủ các hành vi xử phạt hành chính; phối hợp với Vụ Pháp chế hoàn thiện dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP đúng tiến độ và lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; trình Chính phủ đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng tốt nhất./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực