Cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập?

Thứ sáu, 07/09/2018 18:33
(ĐCSVN) – Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét qua hai kỳ họp và luôn được nhấn mạnh là rất khó, rất phức tạp. Trong quá trình thảo luận, còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: daibieunhandan.vn)


Trong thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực chuẩn bị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ngày 6/9, dự luật mới nhất đã được các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận cho ý kiến và tiếp tục khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Dự án Luật trình xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được thiết kế xây dựng gồm 11 chương với 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một trong những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau là về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 31 dự thảo Luật).

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành,Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Một số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật, giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là cán bộ làm công tác tổ chức, thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. “Để khắc phục những hạn chế này thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi” – bà Nga nhấn mạnh.

Báo cáo cũng phân tích, nếu theo phương án 1 của dự thảo Luật do Chính phủ trình, giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản thu nhập, hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể gây quá tải, thiếu khả thi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan này, nhất là trong điều kiện dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai và giao thêm nhiều thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 31 của dự thảo Luật theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận xét, quy định tại dự luật là hợp lý nhưng chưa thực sự thuyết phục ở chỗ nếu cán bộ nằm ở khối nhà nước thì trách nhiệm của cơ quan thanh tra là chính, còn nếu nằm ở khối chính trị thì hoàn toàn do cấp ủy quản lý. “Cùng là cán bộ do cấp ủy quản lý mà một bên do thanh tra, một bên do cấp ủy quản lý thì có thực sự bình đẳng không?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý, kiểm soát tài sản. Vì một số cơ quan như cơ quan đảng, mặt trận, tòa án, công an… là do các cơ quan tự thành lập cơ quan kiểm soát tài sản thì rất khó. “Tôi không nghi ngờ gì nhưng sẽ khó khách quan vì thời gian qua đã có trường hợp đề bạt cân nhắc ứng cử, đề cử có giấy tờ kê khai tài sản bị đổi để bỏ bớt tài sản nhằm hợp thức hóa. Đây có thể không phải hối lộ tham ô gì nhưng là tình cảm người cùng cơ quan nên du di”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Ông cũng cho rằng, nếu thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản thì cơ quan này sẽ sử dụng những người đang có mà không làm phát sinh biên chế.

Cũng bàn về nội dung này, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nhấn mạnh, thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập là thẩm quyền đặc biệt, can thiệp sâu vào quyền cá nhân vì vậy việc giao quyền kiểm soát tài sản thu nhập phải cân nhắc thận trọng.

Theo đại biểu, việc kiểm soát tài sản được xây dựng trên 2 yếu tố, một là sự tự giác, trung thực trong kê khai của đối tượng, hai là giám sát của cơ quan có thẩm quyền và quần chúng công dân nơi công tác, kể cả cư trú. Nhấn mạnh đây là vấn đề cần lưu ý, ông phát biểu: “Không thể trông chờ ở một cơ quan mà lại kiểm soát, minh bạch tới từng cán bộ công chức kê khai. Điều ấy rất khó, ví dụ một Sở thanh tra như ở Nam Định có hơn 40 cán bộ, công chức mà phải chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản của cán bộ thuộc diện kê khai ở tỉnh thôi cũng đã lên đến 500-700 người rồi thì làm sao có đủ nhân lực để làm”.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị thẩm quyền kiểm soát tài sản vẫn nên thuộc về các cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng kê khai, trên cơ sở phát huy tốt vai trò giám sát của quần chúng nơi công tác, còn cơ quan thanh tra chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc kê khai tài sản.

Ngoài ra, thảo luận về nội dung này, một số đại biểu đề nghị Luật phải quy định thế nào để cơ quan này kiểm soát không bỏ sót đối tượng, tất cả đối tượng sử dụng quyền lực công, sử dụng tài sản công và ngân sách đều phải được kiểm soát không kể tổ chức chính trị hay đoàn thể.../.

 

 

 

 

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực