Đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi Nghị định 09 của Chính phủ

Thứ ba, 12/02/2019 14:41

(ĐCSVN) - Cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp thanh tra kiểm tra và chế tài xử phạt nghiêm minh để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc bổ sung vi chất dinh dưỡng và sử dụng nguyên liệu được bổ sung vi chất cho thực phẩm chế biến nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định 09/2016/NĐ-CP đang được thực hiện ở hầu hết các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh. Các công ty đều nhận thức việc tăng cường vi chất dinh dưỡng có tác dụng đối với sức khoẻ cộng đồng và ủng hộ chủ trương này.

Thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn khá cao

Các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thiếu I ốt, vitamin A, sắt và kẽm gây tổn thất nhiều chi phí cho xã hội. Theo bà Trần Khánh Vân, Viện dinh dưỡng quốc gia, tính toán của các nhà kinh tế cho thấy, khắc phục tình trạng thiếu I ốt, vitamin và sắt có thể nâng cao được chỉ số thông minh của cộng đồng tới 10-15 điểm, giảm tử vong bà mẹ khoảng 1/3, giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống 40% và tăng khả năng lao động khoảng gấp rưỡi.

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn” nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TL)

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tỉ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu I ốt, thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta vẫn khá cao.

Nhằm giải quyết sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam- một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cũng như làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghị định 09/2016 của Chính phủ yêu cầu bắt buộc phải bổ sung vitamin và khoáng chất vào muối, bột mì và dầu thực vật nhập khẩu và sản xuất tại Việt Nam.

Nghị định 09/2016/NĐ-CP đang được thực hiện ở hầu hết các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh. Các công ty đều nhận thức việc tăng cường vi chất dinh dưỡng có tác dụng đối với sức khoẻ cộng đồng và ủng hộ chủ trương này. Tuy có một số khó khăn, thắc mắc về khía cạnh kỹ thuật của sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất, phần lớn những câu hỏi và vấn đề này được giải quyết ngay từ trước khi ban hành Nghị định bằng các chứng cứ khoa học và kinh nghiệm quốc tế.

Cần có các biện pháp thanh tra, kiểm tra

Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào trong sản phẩm trước khi cung cấp ra thị trường có làm phát sinh thêm chi phí sản xuất song không đáng kể (tính theo tỉ lệ phần trăm là rất nhỏ), trong khi lợi ích của việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng vào trong sản phẩm là rất lớn, không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người, góp phần tăng năng suất lao động mà còn trực tiếp tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các công ty trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay và giảm chi phí của xã hội cho việc điều trị các bệnh do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng gây ra và thiệt hại kinh tế do việc giảm năng suất lao động đưa lại.

Do đó, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp thanh tra kiểm tra và chế tài xử phạt nghiêm minh để đảm bảo các doanh nghiệp trong ngành thực hiện nghiêm việc bổ sung vi chất dinh dưỡng và sử dụng nguyên liệu được bổ sung vi chất cho thực phẩm chế biến nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, cũng như đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét ban hành, sửa đổi các quy chuẩn về thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện nghị định gồm: loại hợp chất vi chất dinh dưỡng được sử dụng, thời gian tiến hành kiểm nghiệm hàm lượng vi chất dinh dưỡng trong sản phẩm, và loại hợp chất và đơn vị được sử dụng cho việc kiểm nghiệm hàm lượng vi chất dinh dưỡng; tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng về giá trị và lợi ích của thực phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu đã được tăng cường vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để thúc đẩy các công ty sản xuất thực phẩm thực hiện/ tốt quy định của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.

Các cơ sở sản xuất bột mỳ cho rằng, khi đã bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào bột mỳ thì nên đảm bảo tính liên tục, không nên đang triển khai một thời gian ngắn lại dừng vì doanh nghiệp đã chuẩn bị để tuân thủ khi quy định có hiệu lực gây hoang mang, khó hiểu cho doanh nghiệp và dẫn tới các thiệt hại kinh tế khi dừng đột ngột (thay đổi số lượng lớn bao bì, nhãn mác sản phẩm bổ sung vi chất…).

Các cơ sở sản xuất thực phẩm cũng cho biết, hiện nay, một số công ty đang sử dụng muối I ốt, bột mỳ tăng cường sắt, kẽm trong sản xuất thực phẩm nhưng việc các công ty khác không thực hiện nghị định 09/2016/NĐ-CP sẽ tạo khó khăn về môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp thực hiện đúng. Vì vậy, các cơ sở này kiến nghị Chính phủ bắt buộc áp dụng đồng đều giữa các công ty để tạo môi trường cạnh tranh, tránh gây thiệt hại cho các công ty tuân thủ đúng thì bị tăng chi phí sản xuất, các công ty không thực hiện đúng không phải trả các chi phí này, trong khi giá bán lẻ không thể tăng do lo ngại mất thị phần./.

Mỹ Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực