Thận trọng trong xử lý nợ đọng thuế để đảm bảo công bằng

Thứ tư, 13/03/2019 17:41
(ĐCSVN) – Việc xem xét xóa nợ phải được tiến hành thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai và đúng pháp luật, tránh gây ra hệ lụy liên quan đến chính sách thuế và các chính sách khác như tín dụng và tránh lạm dụng, tránh xảy ra lợi dụng kẽ hở pháp luật để trốn thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 13/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016. 

Trong đó, cơ quan Thuế quản lý 73.145 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.108 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016, bằng 7,6% tổng thu nội địa năm 2017; cơ quan Hải quan quản lý 5.320 tỷ đồng, giảm 2,8% (153 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016.

Cơ quan Thuế quản lý số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng (tiền thuế nợ gốc là 19.196 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 12.273 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.

Cơ quan Hải quan quản lý số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ của toàn cơ quan Hải quan quản lý, trong đó 43,2% các khoản nợ khó thu phát sinh trước thời điểm Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.

Từ tình hình trên, để giải quyết toàn diện nợ đọng, Chính phủ thấy cần thiết phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) nhận định, nợ thuế từ các tổ chức, cá nhân không còn kinh doanh chưa được giải quyết kéo dài qua các năm khiến tỷ lệ nợ thuế không có khả năng thu hồi ngày càng tăng và đã chiếm gần 44,9% trên tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2017. Vì lý do đó, việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ đối với Luật quản lý thuế nói chung và pháp luật về quản lý nợ thuế nói riêng.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, đây là Nghị quyết đặc thù, nhạy cảm, với các chính sách được ban hành chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế. Do đó, cần rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội và giao Chính phủ, Cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Nghị quyết này để trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Ủy ban TCNS cũng đề nghị quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc xem xét, quyết định xử lý tiền nợ thuế theo Nghị quyết này. Đồng thời, ngoài việc chịu trách nhiệm công vụ theo Luật cán bộ công chức, cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định xóa nợ và người đề xuất xóa nợ tiền thuế không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cần cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung bảng biểu, số liệu về tình hình nợ thuế, cụ thể phân loại theo hình thức sở hữu (hộ cá thể, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI…); theo thẩm quyền xóa nợ thuế (Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); theo đối tượng xóa nợ (tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp…).

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị nên để sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi mới nghiên cứu xây dựng nghị quyết xử lý những vấn đề mà luật chưa bao quát hết. Ông cũng nhấn mạnh, phải đảm bảo công khai, công bằng, tránh tình trạng có người chây ỳ, gian lận để thời gian trôi đi thì được xoá thuế còn người nghiêm túc thì bị phạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cân nhắc thận trọng, cần làm rõ tiêu chí được xoá nợ để tránh bị lạm dụng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cần thiết phải ban hành Nghị quyết này vì đây là vấn đề Quốc hội đã cho chủ trương, yêu cầu Chính phủ báo cáo về việc xử lý nợ thuế tồn đọng. Vì vậy, đề nghị rà soát thật chặt chẽ không để việc này dẫn đến lợi dụng tạo thành tiền lệ xấu để trốn thuế và lợi dụng chính sách để không nộp thuế.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH cho rằng thu thuế, xử phạt, xóa nợ thuế là công việc có tính chất thường xuyên, và ngành thuế có cố gắng giảm tỷ lệ nợ đọng thuế, tuy nhiên thực tế nợ đọng thuế là cả quá trình. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định về thuế, xử lý nợ thuế là đúng quy định, đúng thẩm quyền. Việc xem xét xóa nợ phải được tiến hành thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai và đúng pháp luật, tránh gây ra hệ lụy liên quan đến chính sách thuế và các chính sách khác như tín dụng và tránh lạm dụng, tránh xảy ra lợi dụng kẽ hở pháp luật để trốn thuế.

UBTVQH quyết định, sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 7 tới, trên cơ sở đó Chính phủ căn cứ vào các quy định của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được thông qua, căn cứ tình hình thực tế, tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của UBTVQH tại phiên họp này để rà soát, cân nhắc đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 8./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực