Hà Nội: Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý lưu động cho phụ nữ tại địa bàn nhiều khó khăn, phức tạp, các điểm nóng

Thứ năm, 21/06/2018 15:45
(ĐCSVN) – Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2018 – 2022, Hà Nội sẽ tập trung khảo sát nhu cầu, mong muốn được tư vấn, hỗ trợ pháp lý của các đối tượng phụ nữ; Tổ chức phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động cho phụ nữ tại các cơ sở có nhu cầu, các địa bàn có nhiều khó khăn, phức tạp, các điểm nóng…

Sở Tư pháp Hà Nội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 54/KH-STP-HLHPNHN về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2018 - 2022.  

Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Yến).

Theo đó, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, sẽ tổ chức phối hợp triển khai các hoạt động, phổ biến các văn bản pháp luật mới, các văn bản pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, các văn bản liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước và đối tượng là phụ nữ theo nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữ các cấp, chú trọng tuyên truyền cho phụ nữ các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao trình độ nhận thức pháp luật của phụ nữ về quyền và lợi ích chính đáng, về trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, khảo sát nhu cầu, mong muốn được tư vấn, hỗ trợ pháp lý của các đối tượng phụ nữ; Tổ chức phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động cho phụ nữ tại các cơ sở có nhu cầu, các địa bàn có nhiều khó khăn, phức tạp, các điểm nóng, tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết đơn thư, phản ánh, tránh tình trạng gửi đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Giới thiệu phụ nữ là đối tượng được trợ giúp pháp lý đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để được trợ giúp theo quy định của pháp luật; phối hợp tạo điều kiện tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến việc trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý.

Xây dựng và củng cố, nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ. Biên soạn, phát hành tài liệu sách hỏi - đáp, tờ gấp pháp luật, qua đó, giúp cho phụ nữ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Chỉ đạo Hội phụ nữ các cơ sở phối hợp với ủy Ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giới thiệu cán bộ Hội đủ tiêu chuẩn tham gia hòa giải viên tại các tổ hòa giải, đảm bảo cơ cấu nữ hòa giải viên trong tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho đối tượng phụ nữ yếu thế, khó khăn. Phối hợp liên kết hoạt động giữa Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn của Hội LHPN Hà Nội với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các Văn phòng chi nhánh trợ giúp pháp lý trên địa bàn tổ chức trợ giúp pháp lý cho phụ nữ xa trung tâm thành phố, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…/.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực