Hà Nội: Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học

Thứ sáu, 16/03/2018 15:02
(ĐCSVN) – Thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021", hàng năm, tại Hà Nội, 100% các nhà trường, cơ sở giáo dục triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa.

 UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai, thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021" trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mục tiêu chính của Đề án là tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi đến 100% các nhà trường, nhà giáo, người học, cán bộ quản lý, người lao động về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà trường, nhà giáo, người học, cán bộ quản lý, người lao động, trẻ em và sau khi được ban hành với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: TH.


Theo Đề án, hàng năm, có 100% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, giảng viên dạy pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi duỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu nhiệm vụ; 100% các nhà trường, cơ sở giáo dục triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên dạy môn Giáo dục công dân hoặc giáo viên làm đầu mối về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại nhà trường và cơ sở giáo dục triển khai, thực hiện.

Đối với giáo dục mầm non: Tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp lứa tuổi “học mà chơi, chơi mà học; Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân trên cơ sở lựa chọn các nội dung có giá trị, phù hợp với đặc điếm tâm lý lứa tuổi, tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, giáo dục chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chưong trình giáo dục phổ thông mới;

 Đối với giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp: Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội và đất nước cho học viên.

Đổi mới cách dạy, cách học theo chương trình GD phổ thông mới của Bộ GD&ĐT; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thực tiễn thi hành, áp dụng pháp luật, gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành pháp luật.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật qua các sân chơi pháp luật cho học sinh các cấp, phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật, các hoạt động ngoài giờ lên lớp tại cơ sở giáo dục; đẩy mạnh phong trào vận động cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường tuân thủ, chấp hành pháp luật; lồng ghép, phát huy vai trò hỗ trợ của các tổ chức tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường…/.

Phương Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực