Hoàn thiện quy định, chính sách của Nhà nước về trồng trọt

Thứ tư, 20/06/2018 15:17
(ĐCSVN) - Bên cạnh việc thay đổi về bố cục của dự thảo Luật, thì quy định về chính sách của Nhà nước với trồng trọt (Điều 6) cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Trồng trọt tại kỳ họ thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua.

 

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho ý kiến về dự thảo Luật Trồng trọt. Ảnh: Vũ Quang Thắng

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, mục tiêu ban hành Luật Trồng trọt để quản lý sản phẩm trồng trọt thống nhất, theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế… trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Giống cây trồng hiện hành, luật hóa các quy định về quản lý phân bón, đồng thời bổ sung quy định một số nội dung về canh tác, thu hoạch, mua, bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm trồng trọt hiện đang được quy định trong nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau…

Bên cạnh đó, việc thay đổi về bố cục của dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước với trồng trọt (Điều 6) cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung, hoàn thiện. Bởi lẽ, cùng với chiến lược phát triển ngành trồng trọt thì chính sách phát triển ngành này là phần quan trọng của dự án luật. Và, có chính sách phát triển đúng mới giúp xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) lấy ví dụ từ ngay thực tiễn việc áp dụng chính sách bảo đảm an ninh lương thực thời gian qua đối với cây lúa, vì người trồng lúa không được bảo đảm lợi ích khi trồng theo quy hoạch. Thậm chí, dù người trồng lúa không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, nhưng không có chính sách bảo trợ của Nhà nước cho tương thích, chỉ được hỗ trợ một phần thiệt hại khi bị thiên tai. “Những hỗ trợ khác nếu có cũng không đến được với người trồng lúa, trong khi sản xuất vẫn phải tuân theo nguyên tắc thị trường”. Vì sự mâu thuẫn trong chính sách nêu trên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy, nông dân vẫn canh tác theo phong trào, bất chấp các cảnh báo trồng không theo quy hoạch, gây ra nhiều hậu quả, phải tổ chức nhiều cuộc giải cứu nông sản.

Nhiều ĐBQH cho rằng, thể hiện chính sách của Nhà nước về trồng trọt (tại Điều 6) không cần viết dài, nhưng cần xác định rõ định hướng, phù hợp với khả năng nguồn lực, và chú ý cụ thể hóa ngay trong các điều luật tiếp theo. Đặc biệt, nhiều lần yêu cầu quy định cụ thể chính sách để cân đối cung cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa được các ĐBQH đưa ra.

Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), vai trò định hướng của nhà nước, bảo vệ môi trường sản xuất, hỗ trợ những cơ chế chính sách để người nông dân, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này là rất quan trọng, giúp người làm nông nghiệp hữu cơ yên tâm sản xuất.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch sản xuất, nhằm khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, cung vượt cầu trong lĩnh vực trồng trọt, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để hỗ trợ người dân trong hoạt động trồng trọt. Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo bổ sung, làm rõ một số vấn đề liên quan đến phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về trồng trọt: công nhận lưu hành giống cây trồng chính; bảo tồn nguồn giống cây trồng... nhằm hoàn thiện khung pháp lý phát triển ngành trồng trọt theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các ý kiến xác đáng, có căn cứ, lập luận chặt chẽ của ĐBQH đã thuyết phục cơ quan chủ trì soạn thảo. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu. Hy vọng rằng, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao của cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Luật Trồng trọt gửi đến ĐBQH tại kỳ họp sau sẽ có một diện mạo mới, thực sự trở thành điểm tựa cho nông dân./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực