Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra nội bộ đối với trường ĐH, trường sư phạm

Thứ sáu, 08/09/2017 14:55
(ĐCSVN)- Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn 4037 /BGDĐT-TTr hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra năm học 2017 - 2018 đối với cơ sở giáo dục đại học, trường sư phạm.

                                                                                              Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác thanh tra trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ, cộng tác viên thanh tra; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng, chống tham nhũng; tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, những vấn đề dư luận bức xúc; chuẩn hóa hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; tăng cường xử lý sau thanh tra.

 

Đặc biệt chú trọng việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Kiện toàn về tổ chức, đội ngũ cán bộ thanh tra nội bộ ;Xây dựng Kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện thanh tra; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra...

 

Hình thức thanh tra: Thanh tra theo kế hoạch: Căn cứ kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, Phòng/ Ban thanh tra hoặc cán bộ chuyên trách công tác thanh tra nội bộ xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra và dự thảo quyết định thanh tra trình Hiệu trưởng;

 

Thanh tra đột xuất: Tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện đơn vị, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Hiệu trưởng giao.

 

Hiệu trưởng chỉ đạo Phòng/Ban thanh tra nội bộ xây dựng Kế hoạch thanh tra năm học theo định hướng đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục và Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016, lựa chọn thanh tra trách nhiệm quản lý và nhiệm vụ cụ thể của một số đơn vị trực thuộc (khoa, phòng, ban, trung tâm…), phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT. Trong đó, tập trung thanh tra những nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp của giáo dục đại học năm học 2017 - 2018, đặc biệt là việc thực hiện quyền tự chủ, thực hiện quy định về dân chủ; các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

 

Đối với các đại học quốc gia và đại học vùng cần lựa chọn thanh tra trách nhiệm quản lý và nhiệm vụ cụ thể của một số trường thành viên và đơn vị trực thuộc.

 

Kế hoạch thanh tra cần xác định rõ mục đích, yêu cầu thanh tra; phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra; đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thanh tra và các nội dung khác theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT ngày 13/10/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

 

Nội dung thanh tra: Cần bám sát nhiệm vụ chủ yếu của ngành, nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018, có thể lựa chọn theo các chuyên đề: Trách nhiệm, nhiệm vụ và kết quả thực hiện của bộ phận tham mưu xây dựng, ban hành các quy định về tuyển sinh và đào tạo; in quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ của trường theo quy định; việc triển khai thực hiện đề án tự chủ giáo dục đại học (tổ chức cán bộ, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng, tự chủ về tài chính…);

 

Trách nhiệm, việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện của các đơn vị thành viên/các khoa, trung tâm, viện trực thuộc trường trong việc duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học (tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý; đội ngũ giảng viên cơ hữu; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy); duy trì và đảm bảo các điều kiện mở ngành đào tạo (đặc biệt đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ); việc cập nhật, xây dựng, thẩm định chương trình (đặc biệt đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu của toàn chương trình, của từng khối kiến thức trong chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo); hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên; hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; việc đảm bảo đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học theo Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ;

 

Trách nhiệm, nhiệm vụ trong việc tổ chức tuyển sinh ở các trình độ, tổ chức quản lý đào tạo: Thực hiện quy chế tuyển sinh; quy chế đào tạo: Thi hết học phần; đánh giá luận văn, luận án (về điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên hội đồng, điều kiện của thí sinh…); việc nâng cap chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh;

 

Việc thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hoạt động thu, chi tài chính; huy động vốn, quản lý các quỹ, quản lý tài sản, quản lý nợ phải trả của nhà trường, và các hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật./. 

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực