Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Thứ sáu, 27/09/2019 03:46
(ĐCSVN) - Xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước.
Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp vừa trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống nhân dân, có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do vậy, việc thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định còn hạn chế, vướng mắc để khắc phục những bất cập trong thi hành Luật XLVPHC (sẽ được nêu cụ thể tại mục 2 phần I dưới đây của Tờ trình) là cần thiết.

Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ hai năm 2020.

Trên cơ sở Nghị quyết số 78/2019/QH14, ngày 08/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, thời hạn trình Chính phủ: Tháng 10/2019.

Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể:

Việc sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Sự thay đổi về tên gọi, thẩm quyền xử phạt do có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt; bổ sung một số chức danh mới có thẩm quyền xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh (đặc biệt là các chức danh thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành); cách quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền bộc lộ bất cập, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới, bị dồn lên cơ quan cấp trên…

Sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hạn, thời hiệu thực hiện các công việc cho phù hợp thực tế. Ngoài ra, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định khác liên quan đến trình tự, thủ tục xử phạt như: Vấn đề xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm; vấn đề  thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; bổ sung quy định về việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành (Điều 71 Luật XLVPHC)…

Sửa đổi quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng” thực hiện hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các điều 90, 92 và Điều 94 Luật XLVPHC do hiện nay có những cách hiểu và áp dụng khác nhau (02 lần hay phải trên 02 lần vi phạm, cách tính như thế nào).

Ngoài ra, cần sửa đổi Luật XLVPHC theo hướng bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng người nghiện ma túy do không thật sự phù hợp và không hiệu quả, khiến cho thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị kéo dài không cần thiết.

Hiện nay, các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất. Các quy định này cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cụ thể là: Bỏ quy định về việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định; sửa đổi quy định tại Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định vì không có tính khả thi.

Bên cạnh đó, cần bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC một điều khoản quy định việc bãi bỏ hình thức quản lý sau cai nghiện được quy định tại Luật phòng, chống ma túy để thống nhất với quy định của Luật XLVPHC.

Bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC nhằm giảm bớt thủ tục, giảm khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo. 

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã và đang gây ra những hậu quả làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực như: Tình trạng vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội (trung bình mỗi năm có khoảng gần 08 triệu vụ vi phạm hành chính bị xử phạt ); tình trạng khiếu nại, khởi kiện các quyết định  xử phạt vi phạm hành chính (theo các báo cáo công tác THPL về XLVPHC định kỳ 06 và hàng năm, trong thời gian từ năm 2014 đến hết 06 tháng năm 2018, tổng số trên cả nước đã có 4.003 số quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện); việc quy định điều kiện, đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Luật XLVPHC quá chặt chẽ khiến cho việc triển khai công tác này trên thực tế rất hạn chế (đặc biệt là quy định “02 lần trong 06 tháng” thực hiện hành vi vi phạm như đã nêu trên)…

Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là hết sức cần thiết.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực