Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân

Thứ tư, 14/03/2018 14:01
(ĐCSVN)- Tại Phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.

Theo đó, Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo (06 Điều).

 

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 2 Mục tiêu giáo dục; Điều 4 Hệ thống giáo dục quốc dân; Điều 5 Yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục; khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 6 Chương trình giáo dục; khoản 1, Điều 8 Văn bằng, chứng chỉ; Điều 110 Công nhận văn bằng nước ngoài.

 

Sửa đổi, bổ sung mục tiêu giáo dục nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời, đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng; thiết lập được hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người học.

 

Hệ thống giáo dục sẽ là hệ thống mở, phục vụ người học, phục vụ xã hội; tạo cơ hội để mọi người học tập suốt đời theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần hội nhập quốc tế, đảm bảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau khi hoàn thiện sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp cận hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; bảo đảm tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thể chế hóa các quan điểm của Đảng và nâng các quy định dưới luật đã được thực hiện ổn định và thực tiễn kiểm nghiệm.

 

Sửa đổi, bổ sung yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục đảm bảo tính liên thông của các cấp học, tăng cường năng lực tự học và hợp tác của người học. Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp. Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học. Quan tâm dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Sửa đổi, bổ sung quy định về văn bằng, chứng chỉ để phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về công nhận văn bằng nước ngoài trên cơ sở nâng các quy định đã thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật, đảm bảo đơn giản thủ tục và ổn định cho người học./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực