Sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông

Thứ tư, 14/03/2018 15:32
(ĐCSVN)- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời (13 Điều).

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 11. Phổ cập giáo dục; Điều 22 Mục tiêu của giáo dục mầm non; Điều 25 Cơ sở giáo dục mầm non; khoản 1, Điều 26 Giáo dục phổ thông; Điều 27 Mục tiêu giáo dục phổ thông; khoản 2, Điều 28 Phương pháp giáo dục phổ thông; Điều 29 Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; Điều 44 Giáo dục thường xuyên; khoản 1 và khoản 2, Điều 45. Yêu cầu về chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên; khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 46 Cơ sở giáo dục thường xuyên; khoản 1, Điều 47 Văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên; Điều 69 Các cơ sở giáo dục khác; khoản 4 Điều 88 Các hành vi người học không được làm.

Sửa đổi, bổ sung mục tiêu giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông nhằm đổi mới giáo dục và đào tạo; xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, chương trình giáo dục, coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục và đào tạo; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo; phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em; đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Sửa đổi, bổ sung chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; bảo đảm học sinh học hết trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, học sinh trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau trung học phổ thông có chất lượng, bảo đảm năng lực học suốt đời; đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Sửa đổi, bổ sung giáo dục thường xuyên nhằm bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực