Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật

Thứ ba, 13/03/2018 15:41
(ĐCSVN) - Ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nghe báo cáo về các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay Bộ đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015. Hàng quý, 6 tháng, hàng năm, Bộ Tư pháp đều có báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã xem xét, thảo luận, làm rõ các vướng mắc, bất cập và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc đó, các chỉ đạo được ghi cụ thể trong nghị quyết các phiên họp của Chính phủ. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, Quốc hội đã thông qua 28 luật, 4 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 pháp lệnh, 1 nghị quyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Trong công tác thẩm định, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế nội bộ đến tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, cán bộ các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác này, qua đó góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi.

Riêng về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình. Kết quả, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Đáng chú ý, năm 2017 đã chấm dứt nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL có một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng xin lùi, rút các dự án; ý kiến của Bộ Tư pháp trong một số trường hợp không được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, dẫn đến dự thảo văn bản phải xin lại ý kiến; nợ văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để.

Đề cập đến các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu bổ sung giải pháp phải thực hiện nghiêm, rốt ráo các quy định tiến bộ của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, nhất là về đánh giá tác động, quy trình phân tích chính sách… Đồng thời, rà soát xem các bộ, ngành đã triển khai đến đâu chỉ đạo của Thủ tướng về việc các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo công tác thể chế.

Nhấn mạnh “văn bản muốn tốt phải tốt từ gốc”, Bộ trưởng lưu ý phải quan tâm đến tổ chức pháp chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm hơn nữa, đầu tư nguồn lực và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong bảo đảm tiến độ, hồ sơ thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo trình Quốc hội.

Trong công tác thẩm định, cần chú trọng hơn nữa đến khả năng dự báo, phân tích chính sách, tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản. Đối với ban hành văn bản quy định chi tiết, sẽ tham mưu cho Chính phủ quy định lấy kết quả thực hiện công tác này làm một trong những căn cứ để Quốc hội xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…/.

T. Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực