Tập trung xây dựng Bộ Luật Lao động sửa đổi

Thứ ba, 10/07/2018 17:33
(ĐCSVN) – “Từ các nhà nghiên cứu chính sách đến người dân đều mong muốn những nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, vì thế phải tập trung cao độ cho việc xây dựng Bộ luật này’’.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: HN)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long vừa có buổi làm việc bàn về giải pháp phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TBXH.

 Nội dung bàn thảo về công tác nuôi con nuôi; Tình hình xây dựng các dự án Luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018- 2019 của Bộ LĐ-TBXH gồm: Bộ Luật lao động (sửa đổi); Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TBXH) Hà Đình Bốn cho biết, Bộ luật Lao động (sửa đổi), về cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012. Ngoài ra cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng "lách" các quy định của pháp luật lao động; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới.

Báo cáo về tình hình, kết quả chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 – 2019, ông Bốn cho rằng tiến độ của Bộ luật Lao động sửa đổi không còn dài, hết năm 218 đã phải trình lên Chính phủ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa vào các định hướng chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Nổi bật là nhóm chính sách bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức; mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm; sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu.Chính sách tiền lương tiếp tục được thể chế hóa theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và người lao động.

Đặc biệt, các quy định để tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình từ năm 2021 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới, thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa ra tham vấn ý kiến rộng rãi.

Bộ trưởng cho biết, Bộ luật Lao động năm 2012 sửa đổi toàn diện, thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều như quá trình soạn thảo trước đây. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Từ các nhà nghiên cứu chính sách đến người dân đều mong muốn những nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, vì thế phải tập trung cao độ cho việc xây dựng Bộ luật này’’.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp sẽ sát cánh với Bộ LĐ-TB&XH ngay từ đầu, xây dựng Bộ luật chất lượng; tập trung thời gian và nguồn lực - ưu tiên, quan tâm, đầu tư đúng mức cho Bộ luật quan trọng này, vì liên quan sát sườn đến người lao động./.

NH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực