Thành lập bộ phận theo dõi, giải quyết các kiến nghị của cử tri

Thứ sáu, 23/03/2018 15:59
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà thời gian tới, cần phải xây dựng và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để nâng cao chất lượng công tác pháp chế. Đồng thời, thành lập một bộ phận theo dõi, tổng hợp, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, giải quyết các kiến nghị của cử tri, địa phương và doanh nghiệp.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Khương Trung 

Ngày 22/3, tại Hà Nội Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  đã họp về công tác pháp chế của Bộ.

Song hành với quá trình xây dựng và phát triển của Bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo của Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT)  đến nay, hầu hết các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ đều đã có đạo luật điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ và quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng cao; các quy định pháp luật của một số lĩnh vực được định kỳ sửa đổi, bổ sung, cập nhật để nâng cao chất lượng, phù hợp với thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã được thực hiện hiệu quả; đã cắt giản, đơn giản hóa số lượng lớn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tạo ra sự minh bạch, thông thoáng trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước của ngành; công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa, pháp điển; theo dõi thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, giải quyết kiến nghị của cử tri, địa phương, doanh nghiệp ... được quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng quy định và yêu cầu đặt ra.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong những năm tới, cần phải xây dựng và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để nâng cao chất lượng công tác pháp chế, để công tác này vừa mang tính dự báo vừa giải quyết được những vấn đề thực tiễn, khó khăn đang tồn tại, bảo đảm được tính công bằng, phân minh và được người dân ủng hộ; tăng cường tháo gỡ những thủ tục không cần thiết, phức tạp, đồng thời vẫn tăng cường được hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và bám sát với thực tiễn.

“Trong quá trình thực hiện các cán bộ pháp chế cần đổi mới tư duy, dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn để quản lý, bám sát những kinh nghiệm, chính sách của thế giới, đưa vào áp dụng phù hợp với tình hình Việt Nam. Cán bộ pháp chế các đơn vị cần chủ động đề xuất thay đổi; cùng nhau xem xét và có sự đánh giá đồng bộ, tổng thể và dài hạn, nhận biết được những vấn đề sẽ vướng mắc trong tương lai cần được xử lý trong suốt quá trình xây dựng hệ thống pháp luật để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như của Lãnh đạo Bộ đặt ra” - Bộ trưởng yêu cầu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng đề nghị, Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng Quy chế tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; những ý kiến, kiến nghị về vướng mắc, phản ánh về sự không phù hợp trong quá trình triển khai các văn bản pháp luật để từ đó phối hợp với các cơ quan chức năng cùng nhau tháo gỡ và đưa ra những phương án xử lý triệt để, đảm bảo tính chân thực, khách quan; đồng thời hoàn thiện công tác chính sách, pháp luật kiện toàn hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khuyến khích đẩy mạnh công tác truyền thông trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của ngành tài nguyên và môi trường. “Từ truyền thông vừa có thể lắng nghe những ý kiến, góp ý vừa tuyên truyền được những chính sách, quy định pháp luật của Bộ và ngành tài nguyên và môi trường” - Bộ trưởng nói.

Trong công tác trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, giải quyết các kiến nghị của cử tri, địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị thành lập một bộ phận theo dõi, tổng hợp, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, giải quyết các kiến nghị của cử tri, địa phương và doanh nghiệp; Xây dựng Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri, địa phương và doanh nghiệp và chất vấn của Đại biểu Quốc hội để giải quyết dứt điểm các kiến nghị tồn đọng kéo dài.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế vào xây dựng chính sách pháp luật của ngành để có thể bám sát những thay đổi cũng như học tập kinh nghiệm, chính sách của bạn bè quốc tế./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực