Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về quản lý tiền ảo

Thứ hai, 17/09/2018 17:15
(ĐCSVN) - Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề pháp lý đặt ra”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng tài sản ảo, tiền ảo là vấn đề mới, khó, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế nói chung, của Việt Nam nói riêng, hiện có nhiều hướng tiếp cận, cách hiểu khác nhau dưới nhiều góc độ. Cách ứng xử, khung pháp lý điều chỉnh của nhiều quốc gia về vấn đề này cũng khác nhau.

“Nhưng dù tiếp cận dưới góc độ nào thì mục đích cuối cùng vẫn phải là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan và phòng chống được các rủi ro cho xã hội, người dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các hoạt động quản lý liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo và hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử, Bộ Tư pháp đã rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: TH).


Báo cáo tại Hội thảo cho thấy: Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp đã nghiên cứu kinh nghiệm một số nước và quốc tế về tài sản ảo, tiền ảo, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tế của Việt Nam về tài sản ảo, tiền ảo để nhận diện vấn đề, để đề xuất định hướng xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.

Tài sản ảo, tiền ảo nói chung hay tài sản mã hóa, tiền mã hóa nói riêng là vấn đề mới và rất phức tạp đối với các nước nói chung và đối với Việt Nam nói riêng; là vấn đề hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận; các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, pháp lý; các chính phủ và tổ chức quốc tế với nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau. Cũng như phần lớn các nước khác, khung pháp luật của Việt Nam về quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo còn rất sơ khai. Nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.

Kết quả của Hội thảo sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu, tham khảo để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2018./.

Phương Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực