Chất lượng trả lời một số kiến nghị của cử tri còn bất cập

Thứ hai, 20/05/2019 15:35
(ĐCSVN) - Nhiều văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thường chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không còn phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không được giải trình thấu đáo...

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện cho biết điều này khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp Quốc hội sáng 20/5.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐT

Gần 2.300 kiến nghị cử tri được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri (KNCT) và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, có 57 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,49%); 2.174 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 94,81%); 56 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) (chiếm 2,44%); 06 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,26%).

Đến nay đã có 2.290 kiến nghị (KN) được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số KN đã chuyển. Nhìn chung, cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH nói chung và ĐBQH là lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng có hiệu quả rất cao. Qua tiếp xúc cử tri, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp lắng nghe và trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, giải đáp được nhiều phản ánh, kiến nghị cử tri nêu,... tạo niềm tin tưởng trong cử tri và nhân dân cả nước.

Trong công tác xây dựng pháp luật, cử tri cho rằng nội dung của các báo cáo thẩm tra, ý kiến thảo luận của các ĐBQH rất thẳng thắn, trí tuệ, vừa mang tính phản biện vừa mang tính xây dựng cao. Cử tri cũng đánh giá cao hoạt động chất vấn của các ĐBQH, công tác điều hành kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội linh hoạt, hiệu quả, nhiều hoạt động của Quốc hội trong thời gian gần đây, có tính lan tỏa mạnh tới hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cử tri cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực trong công tác điều hành, chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực; đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân để tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Nhiều Bộ, ngành đã thực hiện tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự hài lòng trong phục vụ nhân dân.

Cũng như các kỳ họp trước đây, một số lĩnh vực vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri như giáo dục đào tạo (248 KN), giải quyết việc làm và an sinh xã hội (190 KN), tài nguyên, môi trường (189 NN), nông nghiệp, nông thôn (167 KN), cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương (122 KN)... Đến nay, đã có 2.172/2.174 kiến nghị gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã được xem xét, giải quyết, trả lời.

Chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, mặc dù công tác trả lời, giải quyết KNCT đã được các Đoàn ĐBQH đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, tuy nhiên một số Đoàn vẫn tiếp tục có nhận xét cho rằng, nhiều văn bản trả lời cử tri thường chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không còn phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không được giải trình thấu đáo; một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung như đã giao, đang chỉ đạo giải quyết, mà chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, chưa chỉ ra trách nhiệm của Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện nên còn thiếu thuyết phục; một số KN mà cử tri phản ánh là có căn cứ, có cơ sở để giải quyết nên đã được các Bộ, ngành tiếp thu, nhưng việc giải quyết quá lâu, gây bức xúc cho người dân.

Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện, một số KNCT mặc dù đã được các Bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp để thực hiện, tuy nhiên còn chưa hiệu quả, chuyển biến chậm nên cử tri bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Điển hình như về an toàn thực phẩm, cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bình Định và nhiều địa phương đề nghị tăng cường thanh tra, bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo trả lời, Bộ Y tế đã tổ chức, phối hợp với địa phương tổ chức nhiều đoàn thanh tra định kỳ, đột xuất  để giải quyết vấn đề cử tri nêu. Tuy nhiên, tình trạng mất ATPP vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt thời gian qua nổi lên các bất cập trong việc quản lý ATTP tại trường học, có hiện tượng thực phẩm kém chất lượng bị đưa vào trường học, khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng nhưng khi xảy ra sự việc khó quy trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý.

Về nạn bạo lực học đường, cử tri nhiều tỉnh đã kiến nghị từ nhiều kỳ họp, UBTVQH cũng đã kiến nghị tại Kỳ họp thứ 6. Tiếp thu kiến nghị, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, bạo hành trẻ em tại một số cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, cả khu vực nông thôn và thành thị, có dấu hiệu gia tăng kể cả số lượng và mức độ nghiêm trọng đối với từng vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh và phụ huynh như vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị bạn cùng lớp hành hung ngay tại lớp học, quay clip đưa lên mạng; và một số vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua ở Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Bình,... khiến dư luận bất bình.  

Quản lý, bổ nhiệm cán bộ xảy ra nhiều sai phạm

Cử tri TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... phản ánh công tác quản lý, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nhiều nơi còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm, xảy ra nhiều sai phạm, đề nghị cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, bố trí, tinh giản bộ máy theo hướng gọn nhẹ.

Bộ Nội vụ đã cung cấp thông tin đến cử tri về công tác rà soát, hoàn thiện thể chế quy định về công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua, các giải pháp đã và đang thực hiện để tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ,... xem xét việc thực hiện thí điểm một số mô hình nhằm tinh giản bộ máy; các kết quả đạt được của công tác cải cách hành chính và một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới,...

Cử tri tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng,... đề nghị khi tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cần xem xét đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tại nơi sắp xếp, sáp nhập. Vấn đề này, Bộ Nội vụ cho biết Chính phủ đã có những quy định để giải quyết chế độ chính sách đối với những đối tượng thuộc các trường hợp dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.

Cử tri các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Định,... đề nghị kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nếu phát hiện trường hợp kê khai không đúng với thực tế cần xác minh rõ ràng, nếu là tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc đề nghị thu hồi toàn bộ và có biện pháp xử lý nghiêm khắc,...

Thanh tra Chính phủ cho biết Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mới được Quốc hội thông qua, Thanh tra Chính phủ đang khẩn trương xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, trong đó chú trọng các quy định nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản; đặc biệt là sẽ kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức,...

Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết, trả lời đối với 56/56 KNCT các địa phương (đạt 100%), nội dung các kiến nghị liên quan đến việc đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự năm 2015,... về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân các cấp; về quản lý và thu hồi tài sản nhà nước trong và sau khi xét xử đối với vụ án kinh tế; về tăng biên chế thẩm phán cho TAND tỉnh...

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Các Bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị của cử tri

Đánh giá chung về các kết quả đạt được trong giải quyết, trả lời KNCT, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua việc theo dõi, đôn đốc của Ban Dân nguyện đối với việc trả lời KNCT của các Bộ, ngành kết hợp với nhận xét, đánh giá của 63/63 Đoàn ĐBQH cho thấy, về cơ bản các Bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu. Ngoài ra, việc trả lời các vấn đề mà cử tri nêu, một số Bộ, ngành còn thông tin cho cử tri thêm về các quy định của pháp luật có liên quan khác cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Hiện tượng trả lời chung chung, không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký. Nhiều Đoàn ĐBQH có nhận xét, đánh giá cao về sự nỗ lực của một số Bộ, ngành.

Qua kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, UBTVQH đưa ra một số kiến nghị như sau: Đối với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH, Đoàn ĐBQH, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, KNCT, đảm bảo phản ánh đúng, trúng và rõ các vấn đề mà cử tri quan tâm; tăng cường giải đáp, thông tin cho cử tri đối với các vấn đề đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật, các vấn đề đã được các Bộ, ngành giải đáp, trả lời tại nhiều kỳ họp ngay tại các buổi tiếp xúc cử tri, khắc phục tình trạng các kiến nghị đã được giải quyết, đang tổ chức thực hiện hoặc đã được pháp luật quy định nhưng vẫn tiếp tục chuyển đến cơ quan Trung ương yêu cầu trả lời, giải quyết.

Đối với Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cần quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề mới đang trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ người dân tra cứu thông tin trên môi trường mạng đối với các quy định pháp luật về chế độ, chính sách, các quy định mới của pháp luật trong kinh doanh, sản xuất mang tính chất chuyên môn, chuyên ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình, kết quả giải quyết kiến nghị để cử tri biết, hạn chế nêu kiến nghị lặp lại,... qua đó giảm dần số kiến nghị, yêu cầu cung cấp thông tin.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến bảo hiểm; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của người lao động./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực