"Cử tri rất bức xúc về tình trạng lạm quyền, làm trái quy định về công tác cán bộ"

Thứ hai, 23/10/2017 13:18
(ĐCSVN) – Qua việc tổng hợp 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội cho thấy cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về nhiều vấn đề. Đặc biệt, cử tri rất bức xúc về tình trạng lạm quyền làm trái quy định về công tác cán bộ.

Sáng 23/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (Ảnh: KT)

Nhiều mối lo

Theo báo cáo, chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Qua tổng hợp các ý kiến cho thấy, cử tri và nhân dân còn lo lắng về nhiều vấn đề.

Cụ thể, về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh việc vẫn còn nhiều “giấy phép con”; một số quy định chậm đi vào cuộc sống; thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu một số mặt hàng còn chậm. Cử tri và nhân dân còn lo lắng về việc giá nông sản còn thấp, “đầu ra” chưa ổn định trong khi giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tăng, ảnh hưởng đến người sản xuất và chăn nuôi. Tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nạn buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp.

Cử tri và nhân dân rất lo lắng trước tình hình khí hậu diễn biến bất thường; người dân và chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thực sự chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ.

Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng, bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty Cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện.

Cử tri và nhân dân cũng phản ánh về việc một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền để “trục lợi” quỹ Bảo hiểm y tế.

Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của một số trường đại học, cao đẳng và quy định về cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học chưa hợp lý; cách thức tổ chức và chất lượng học ngoại ngữ hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị ở một số nơi vẫn còn thiếu; chất lượng đào tạo sau đại học, dạy nghề còn hạn chế; tình trạng “lạm thu” đầu năm học với nhiều khoản thu quá cao, bất hợp lý như việc thu nhiều khoản sai quy định ở Trường Tiểu học Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thậm chí có nơi buộc học sinh phải đóng góp xây dựng nông thôn mới như ở xã Nam Dong, Huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức cán bộ, cử tri và nhân dân vẫn cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.

Về quản lý đô thị và giao thông, vận tải, cử tri và nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, khoảng cách đặt trạm thu phí quá dày, mức phí cao, gây bất bình trong nhân dân, như ở các trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên); việc quản lý chưa chặt chẽ, gây lãng phí và thất thoát.

Về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội, cử tri và nhân dân một số địa phương lo lắng trước tình trạng tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, còn một số “điểm nóng” về mất an ninh trật tự.

Cử tri và nhân dân lo lắng, bất bình trước tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật trên các trang mạng xã hội…

Đề nghị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí; quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân và báo chí trong việc giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và quy định về đánh giá cán bộ.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, mở rộng quảng bá, kết nối với hệ thống phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, hình thành những chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương, kiên quyết chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp ở những tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng trên địa bàn quản lý. 

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và chính quyền các thành phố lớn, nhất là chính quyền thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp để giảm ngập úng, ùn tắc giao thông; rà soát, điều chỉnh lại những dự án chậm tiến độ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông và phát triển đô thị.

Thứ sáu, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết thấu tình, đạt lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; sớm giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; không để phát sinh các “điểm nóng”; kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực