VKSND tối cao hướng dẫn về kiểm sát hồ sơ xét miễn nghĩa vụ thi hành án

Thứ ba, 11/06/2019 15:17
(ĐCSVN) – Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa có công văn gửi Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc kiểm sát hồ sơ xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với người bị kết án phạt tiền thuộc diện miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội.

Công văn nêu rõ: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành Bộ Luật hình sự năm 2015, liên quan đến việc kiểm sát hồ sơ xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự các đối tượng là người bị kết án phạt tiền thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt tiền được quy định tại điểm d, đ khoản 2 Điều 12 Nghị quyết nêu trên của VKSND các cấp còn nhiều lúng túng, vướng mắc, chưa thống nhất.

Sau khi trao đổi, thống nhất với các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao và Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, VKSND tối cao (Vụ 11) hướng dẫn như sau:

Thứ nhất, cơ quan chủ trì thực hiện việc rà soát các đối tượng là người bị kết án phạt tiền thuộc diện miễn chấp hành hình phạt tiền (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) để ban hành văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét việc miễn:

Điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 quy định: “... trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”.

Khoản 1 Điều 62 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định về hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước: “Cơ quan Thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau: Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan THADS hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt”.

Điểm e mục 3 Công văn số 256/TANDTC-PC ngày 31/7/2017 của TAND tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 nêu trên: “Đối với người bị xử phạt bằng các hình thức khác đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo đề nghị của Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì Viện kiểm sát là cơ quan chủ trì thực hiện việc rà soát các trường hợp người bị kết án phạt tiền thuộc diện miễn chấp hành hình phạt tiền, sau đó yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp đó trên cơ sở yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát.

Riêng các vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước... thì người được miễn chấp hành hình phạt tiền vẫn phải thi hành án.

Thứ hai, đối với những khoản tiền mà người bị kết án phạt tiền đã thi hành được một phần: Điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 quy định “... trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại ...”. Quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội nêu trên là thể hiện chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, người phải thi hành án đã chấp hành được một phần hình phạt tiền thì sẽ được miễn phần hình phạt tiền còn lại và sẽ không được hoàn trả lại phần hình phạt tiền đã thi hành…/.

VT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực