Kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Bộ Giáo dục & Đào tạo

Thứ năm, 16/11/2017 14:35
(ĐCSVN) - Chiều 15/11, Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo TW về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo TW về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GD&ĐT.

Tham gia đoàn kiểm tra có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ. Làm việc với đoàn kiểm tra về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bí thư Ban cán sự đảng; các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng; đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: TL

Phát huy tinh thần làm chủ của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT cho thấy, thời gian qua, Ban Cán sự đảng đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo ngày càng được nâng cao.

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy được tinh thần làm chủ của nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, động viên được sức mạnh tinh thần, trí tuệ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành.

Đồng thời, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ về phẩm chất, đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn, một số biểu hiện tiêu cực, mất dân chủ trong các nhà trường từng bước được ngăn chặn và giải quyết kịp thời, góp phần làm giảm khiếu kiện vượt cấp.

Ngành đã xây dựng được tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc, tạo niềm tin và cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong những năm tiếp theo. Việc thực hiện dân chủ đã góp phần ổn định đơn vị, phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức trong công tác và quản lý.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành Giáo dục cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác tuyên truyền, quán triệt văn bản về quy chế dân chủ ở một số đơn vị chưa thường xuyên; chưa phát huy được vai trò của cấp ủy, các tổ chức đoàn thể, cán bộ viên chức trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc tổ chức thực hiện quyền dân chủ thông qua hội nghị cán bộ, viên chức ở một số đơn vị còn hình thức; hội đồng trường được thành lập ở các cơ sở giáo dục còn ít về số lượng và hoạt động mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng đơn thư vượt cấp; một số cơ sở giáo dục vẫn còn tình trạng mất dân chủ.

Đưa tinh thần làm chủ vào cấp học mầm non, phổ thông

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đoàn kiểm tra quan tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT cho biết, từ thực tế triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở trong toàn ngành Giáo dục cho thấy vai trò của người đứng đầu là quan trọng nhất trong thực hiện quy chế dân chủ, ở đâu người đứng đầu quan tâm tới dân chủ, thể hiện rõ sự dân chủ, minh bạch ở đó có dân chủ và ngược lại.

Bộ trưởng cho rằng, dân chủ là để trở thành công cụ trong quản lý chứ không phải là hình thức hay áp đặt. Muốn làm được điều đó thì các văn bản, nội dung thực hiện văn bản phải ngắn gọn, dễ hiểu, các văn bản sau khi ban hành cũng phải được công khai, tuyên truyền rộng rãi, tránh ban hành ra rồi không có người đọc, hiểu và triển khai thực chất. Ngoài ra, quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng cần gắn với thanh tra, giám sát.

Trao đổi về khó khăn hiện nay trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là về trách nhiệm và quyền hạn, thể hiện rõ nhất trong việc phân cấp giữa Bộ và các địa phương. Trách nhiệm quản lý giữa Bộ và địa phương hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, đặc biệt trong quản lý nhân sự và tài chính, dẫn tới hiệu lực, hiệu quả quản lý có nơi chưa cao, thậm chí gây bức xúc cho xã hội. Bộ GD&ĐT đang tiến hành chỉnh sửa Nghị định về phân cấp để tới đây việc phân cấp rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho quá trình quản lý cũng như đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ trong từng cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng khẳng định, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ thiết thân của ngành, vì vậy, thời gian tới, ngành sẽ quyết tâm triển khai tốt nhiệm vụ này.

Phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần đưa tinh thần làm chủ vào từ cấp học mầm non, phổ thông làm nền tảng để tạo nên một thế hệ tương lai có tinh thần làm chủ, cần coi phát huy quyền làm chủ của giáo viên, học sinh là cơ sở để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Phó Thủ tướng, nếu làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ làm giảm bớt những hạn chế tiêu cực gây bức xúc cho xã hội như dạy thêm học thêm, lạm thu, không trung thực trong đánh giá học sinh, tuyển dụng giáo viên…

Phó Thủ tướng lưu ý, tới đây ở bậc phổ thông sẽ thực hiện phân cấp mạnh hơn, vì vậy quy chế trong các cơ sở giáo dục khi đưa ra phải tránh được tình trạng thiếu dân chủ, nếu cứ như hiện nay sẽ không phát huy được dân chủ trong các nhà trường. Bộ GD&ĐT phải xây dựng và ban hành được bộ quy chế mẫu, trong đó có định lượng rõ ràng, tránh chung chung. Từ đó buộc các trường phải ban hành quy chế riêng để thực hiện.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục cần tập trung cho vấn đề tự chủ đại học, làm sao để tinh thần tự chủ đến với từng giáo viên, sinh viên; tiếp tục đổi mới quản lí, quản trị trong các trường mầm non, phổ thông theo hướng quyết liệt và căn bản.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ, ngành Giáo dục sẽ nhận được sự hài lòng của người dân

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo TW về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tán thành những nội dung trong báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT về kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong toàn ngành thời gian qua.

Đồng chí nhấn mạnh, nếu giáo dục tạo ra được không gian tự chủ, công khai, minh bạch ngay từ những bậc học đầu đời sẽ có ý nghĩa rất lớn với tương lai đất nước. Đặc biệt, nếu ngành Giáo dục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ tạo nên sự hài lòng của người dân với một lĩnh vực vốn ảnh hưởng rộng lớn tới toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình đổi mới.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng đánh giá cao “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường” được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành mới đây và lưu ý, phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà giáo, học sinh sinh viên và người dân, nhất là người dân để họ hiểu sẽ được tham gia như thế nào vào hoạt động giáo dục đào tạo.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, Bộ GD&ĐT tập trung rà soát lại tất cả các văn bản hiện hành, rà soát sửa đổi, điều chỉnh ngay những văn bản không còn phù hợp, trong đó quan tâm để làm sao các nội dung quy định phải thực chất, có văn bản mà không thực chất cũng không hiệu quả. Ngoài ra, quá trình thực hiện quy chế dân chủ phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong mỗi nhà trường, không được tách rời.

Với 14% học sinh đang theo học tại khu vực giáo dục ngoài công lập, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu, Bộ GD&ĐT cần quan tâm tới khu vực này, tìm ra giải pháp để giải quyết các vấn đề tồn đọng thời gian qua của các trường dân lập./.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực