Sớm chấm dứt đồng nhất giáo dục công dân với giáo dục chính trị

Thứ ba, 25/12/2018 16:08
(ĐCSVN)- Bàn về đổi mới đào tạo giáo viên Giáo dục công dân (GDCD) đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Đào Đức Doãn - Chủ biên Chương trình môn GDCD nhấn mạnh, cần sớm chấm dứt việc đồng nhất GDCD với giáo dục chính trị. Hai chương trình đào tạo có mục tiêu, nội dung và phương thức đào tạo khác nhau.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Lược bỏ những nội dung kiến thức nặng về lý thuyết, hàn lâm

PGS.TS Đào Đức Doãn cho biết, để giáo viên môn học có thể thực hiện được các nội dung giáo dục của chương trình mới, chương trình đào tạo giáo viên GDCD cần tập trung vào các nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục kinh tế, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, lược bỏ những nội dung kiến thức hoặc nặng về lý thuyết, hàn lâm, hoặc thiên về ngành đào tạo giáo viên giáo dục chính trị, không phù hợp với đặc trưng ngành đào tạo giáo viên GDCD và thay thế bằng những học vấn phổ thông, cơ bản về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi, mang tính ứng dụng, thiết thực với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau THPT của học sinh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nội dung giáo dục xã hội cần thiết đã có trong chương trình đào tạo giáo viên GDCD hiện hành, như: Môi trường, bình đẳng giới, di sản văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội...

Cũng theo Chủ biên cho chương trình môn GDCD, chương trình đào tạo giáo viên môn học này cần đáp ứng các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp giáo viên nói chung và năng lực nghề nghiệp đặc thù của người giáo viên GDCD. Muốn vậy, cần tập trung hơn cho đào tạo các năng lực nghề nghiệp theo hướng:

Thứ nhất: Chú trọng giáo dục giáo sinh phương pháp tổ chức hoạt động dạy học, bao gồm tổ chức hoạt động dạy học trong lớp, tổ chức hoạt động trải nghiệm ở ngoài lớp; trong đó, giáo viên phải đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức, tạo môi trường, điều kiện học tập để học sinh tham gia hoạt động học tập với tư cách là chủ thể tích cực, tự mình thực hiện nhiệm vụ và trải nghiệm thực tế.

Thứ hai: Chú trọng đào tạo giáo sinh các phương pháp dạy học tích hợp;

Thứ ba: Chú trọng các phương pháp đánh giá theo năng lực, bao gồm các phương pháp kết hợp đánh giá qua nhiệm vụ học tập với đánh giá qua nhận xét thái độ, hành vi của học sinh; kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì; kết hợp đánh giá của giáo viên với đánh giá của học sinh, đánh giá của gia đình và các tổ chức xã hội.

Thứ tư: Chú trọng hình thành, phát triển cho sinh viên năng lực phát triển chương trình, giúp giáo viên có khả năng thường xuyên cập nhật, phân tích, xử lí thông tin trong đời sống hằng ngày để lựa chọn, bổ sung vào nội dung dạy học và tự xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với điều kiện của nhà trường, phù hợp với đối tượng học sinh.

Việc bồi dưỡng giáo viên cần tránh hình thức

Về đổi mới phương thức đào tạo, PGS.TS Đào Đức Doãn lưu ý, mặc dù ở mỗi cấp học, môn học có tên gọi khác nhau, nhưng đều thống nhất trong một môn là GDCD. Trong Chương trình GDPT mới, lĩnh vực GDCD chỉ có một chương trình môn GDCD. Ở cấp tiểu học, các chương trình môn học đều do một giáo viên thực hiện, nên chương trình đào tạo giáo viên các môn học có thể nằm trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học. Ở cấp THCS, THPT, chương trình môn GDCD do giáo viên chuyên ngành GDCD đảm nhiệm nên chỉ thiết kế một chương trình đào tạo giáo viên GDCD. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo này, giáo sinh vừa có thể dạy học môn GDCD ở THCS, vừa có thể dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở THPT.

Bên cạnh đó, cần sớm chấm dứt việc đồng nhất GDCD với giáo dục chính trị, hoặc sử dụng chương trình đào tạo giáo viên Giáo dục chính trị để đào tạo giáo viên GDCD vẫn đang diễn ra ở nhiều trường sư phạm hiện nay. Đào tạo giáo viên GDCD có nhiệm vụ cung cấp giáo viên dạy môn GDCD cho các trường phổ thông. Đào tạo giáo viên giáo dục chính trị có nhiệm vụ cung cấp giảng viên các môn Lí luận chính trị cho các trường trung học chuyên nghiệp, CĐ, ĐH. Hai chương trình đào tạo có mục tiêu, nội dung và phương thức đào tạo khác nhau.

Việc bồi dưỡng giáo viên cần tránh hình thức, gắn với đòi hỏi của thực tiễn GDCD trong nhà trường, sát với từng đối tượng giáo viên (giáo viên mới vào nghề, giáo viên lâu năm, giáo viên dạy chéo môn, giáo viên dạy ghép môn…) và phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo giáo viên với các trường phổ thông để đảm bảo sự thống nhất trong đào tạo, bồi dưỡng./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực