Hội thảo quốc tế “Phát triển quan hệ Việt – Nhật: Lịch sử và Triển vọng”

Thứ sáu, 21/09/2018 19:35
(ĐCSVN) – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, những kết quả có được từ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong suốt hơn 45 năm cùng với sự tin cậy cao về chính trị, chân thành và hiệu quả trong hợp tác, tương đồng về văn hóa, gắn bó về lịch sử, luôn vì lợi ích chung là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục nâng tầm và phát triển quan hệ hai nước.
Hội thảo quốc tế “Phát triển quan hệ Việt – Nhật: Lịch sử và Triển vọng” diễn ra tại Hà Nội ngày 21/9
 (Ảnh: Kiều Giang)

Ngày 21/9, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển quan hệ Việt – Nhật: Lịch sử và Triển vọng”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước.

Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio; và đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đã nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển mối quan hệ Việt – Nhật. Đặc biệt, vào năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho quan hệ hai nước. “Trong 45 năm qua, trải qua nhiều khó khăn và thử thách, chúng ta tự hào rằng, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển, sau mỗi giai đoạn đều mở ra những khuôn khổ hợp tác mới, hiệu quả, thực chất, như một bức tranh luôn được tô thêm những đường nét sống động và gam màu tươi sáng hơn. Từ khuôn khổ quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và hiện nay là Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Mối quan hệ đó được khẳng định bằng những chuyến viếng thăm lẫn nhau thường xuyên và liên tục của lãnh đạo cấp cao hai nước.”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng  cũng khẳng định, những kết quả có được từ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong suốt hơn 45 năm cùng với sự tin cậy cao về chính trị, chân thành và hiệu quả trong hợp tác, tương đồng về văn hóa, gắn bó về lịch sử, luôn vì lợi ích chung là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục nâng tầm và phát triển quan hệ hai nước trong một tầm nhìn chiến lược mới, thích ứng với những thay đổi nhanh của bối cảnh thế giới, khu vực và mỗi nước.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, trong năm 2018 – kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, hai nước đã tổ chức hơn 170 hoạt động ý nghĩa. Và hội thảo hôm này là dịp để nhìn lại lịch sử của quan hệ Việt – Nhật và đưa ra triển vọng hợp tác cho tương lai của mối quan hệ này.

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ và thực sự đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam.


Một buổi lễ ký kết viện trợ tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội trong khuôn khổ
ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam (Ảnh: Kiều Giang)

Giao lưu văn hóa và nhân dân giữa hai nước đã liên tục được thúc đẩy mạnh mẽ, sôi động với nhiều hình thức phong phú. Năm 2017, có gần 800.000 lượt du khách Nhật Bản sang thăm Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ ba trong số các nước có số lượng người vào Việt Nam du lịch, trong khi số du khách Việt Nam thăm Nhật Bản cũng vượt qua con số 300.000 lượt người.  Số du học sinh và thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản cũng như số sinh viên Nhật Bản học tập ở Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, Việt Nam và Nhật Bản có điểm chung về lợi ích, mục tiêu và quan điểm là duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Á, đặc biệt là đảm bảo tự do hàng hải ở Đông Nam Á. Hai nước đều có tư duy mới khi nhìn nhận, đánh giá các vấn đề quan hệ quốc tế để thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Việt Nam và Nhật Bản cũng đạt được những kết quả nổi bật trong hợp tác về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và về đảm bảo an toàn, an ninh trên biển.

Để đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, các đại biểu thống nhất về các giải pháp trong thời gian tới:

Một là, kế thừa nền tảng phát triển tốt đẹp, hai nước cần không ngừng thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” tiếp tục đi vào thực chất, định hình mối quan hệ đối tác chiến lược kiểu mới ở Đông Á – Thái Bình Dương, trên cơ sở củng cố vững chắc lòng tin chiến lược, hợp tác toàn diện và cùng gánh vác trách nhiệm chung đối với những vấn đề của khu vực và toàn cầu.

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả kết nối, hợp tác kinh tế thích ứng với xu hướng tăng cường hội nhập khu vực và với diễn biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, hai nước cần tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn những nỗ lực của nhau đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới.

Bốn là, tiếp tục phát huy tốt và nâng cao hiệu quả quan hệ hỗ trợ phát triển, nhất là hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam trong những chương trình hợp tác chiến lược mới.

Năm là, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa-xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ để tăng cường hiểu biết, sẻ chia, tạo nền móng bền chặt cho quan hệ sâu sắc, toàn diện giữa hai nước trong tương lai./.

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực