Hợp tác và hội nhập ở khu vực Baltic, Đông Nam Á nhìn từ góc độ so sánh

Thứ sáu, 19/04/2019 19:33
(ĐCSVN) – Đó là chủ đề của Hội thảo quốc tế do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) phối hợp tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự hơn 30 chuyên gia nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Philippines, Campuchia…

Khu vực Baltic là khu vực biển nội địa lớn, bao quanh là bán đảo Scandinavi, khu vực Trung Âu, Đông Âu và quần đảo Đan Mạch, gồm các nước Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Litva, Balan, Đức và Đan Mạch. Trong khi đó, Đông Nam Á là khu vực chiến lược về kinh tế và chính trị, trên con đường biển giao thương giữa Đông và Tây, nằm ở phía Đông Nam của châu Á, gồm 11 quốc gia, trong đó có 10 quốc gia là thành viên chính thức của Tổ chức ASEAN.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Hội thảo lần này tập trung bàn về vấn đề an ninh và phi an ninh nhằm đảm bảo cho sự an toàn của khu vực và hội nhập khu vực từ nhiều góc độ khác nhau như: an ninh lương thực, an ninh tiền tệ, an ninh biển đảo biên giới…

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, tuy khu vực Baltic có khoảng cách địa lý xa khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng nhận thấy sự tương đồng nhất định về mặt cơ chế, điều kiện phát triển. Chính vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu và so sánh để rút ra những bài học cho sự hợp tác đi lên theo hướng hội nhập kinh tế, giáo dục, xã hội cùng đảm bảo an ninh chung toàn cầu.

"Hội thảo này là cơ hội để các sinh viên được lĩnh hội thêm kiến thức mới về tình hình an ninh chính trị của một số nước trên thế giới trong mối tương quan với nước ta. Điều này là tiền đề giúp sinh viên am hiểu, vận dụng được kiến thức vào việc học tập trên giảng đường đại học", GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Hội thảo có hơn 30 chuyên gia quốc tế tham dự.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Philippin, Campuchia… cùng bàn luận và đưa ra các ý kiến nhằm củng cố cơ chế, chính sách hợp tác giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Trên cơ sở so sánh những điểm tương đồng và khác biệt ở hai khu vực, các học giả thảo luận về các đề xuất, gợi ý cho chính sách hợp tác và hội nhập của các quốc gia thuộc hai khu vực. Hội thảo chia làm 4 tiểu ban: Hợp tác trong các vấn đề an ninh truyền thống ở khu vực Baltic và Đông Nam Á; Hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực Baltic và Đông Nam Á; Hội nhập khu vực ở Baltic và Đông Nam Á; Hội nhập và hợp tác đa phương: Thách thức và triển vọng với khu vực Baltic và Đông Nam Á. Từ đó, các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề như: Nhận định và phân tích các xu hướng hợp tác, hội nhập nhằm đối phó với các thách thức trong quá trình phát triển của khu vực Baltic và khu vực Đông Nam Á; phân tích những thành tựu và thách thức trong quá trình hợp tác và hội nhập ở hai khu vực; so sánh những điểm tương đồng và khác biệt trong quá trình hợp tác và hội nhập ở hai khu vực; phân tích vai trò của các tổ chức và cơ chế hợp tác ở hai khu vực…/.

Tin, ảnh: Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực