Quan hệ Việt Nam - Kazakhstan ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất hơn

Thứ ba, 06/02/2018 10:28
(ĐCSVN) – Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Kazakhstan (29/6/1992 – 29/6/2017) đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Để nhìn lại những thành tựu cũng như triển vọng của mối quan hệ này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền

Phóng viên (PV): Năm 2017 là năm Việt Nam và Kazakhstan kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (29/6/1992 – 29/6/2017). Đại sứ có thể điểm lại một số thành tựu quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Kazakhstan trong những năm gần đây?

 Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền: Quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam và Kazakhstan 25 năm qua phát triển tốt đẹp. Đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev vào cuối tháng 10/2011 và chuyến thăm Kazakhstan cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong tháng 9/2012 đã tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương. Hai bên đều mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa, du lịch, an ninh, ...

Việc trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước đã diễn ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Thông qua các chuyến thăm cấp cao, Việt Nam và Kazakhstan đã ký kết được một loạt các hiệp định, thỏa thuận trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, thể thao, du lịch, lao động việc làm,… Các hiệp định này đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất hơn.

Hai nước đã có cơ chế tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được bảy kỳ, buổi tham vấn chính trị giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước gần đây nhất mới diễn ra vào ngày 04/12/2017 tại Hà Nội. Tại cuộc gặp lần này, hai bên nhất trí duy trì hoạt động trao đổi đoàn các cấp, tham vấn chính trị định kỳ nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hiệu quả hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên Hợp Quốc, Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) và các diễn đàn quốc tế khác, đặc biệt trong bối cảnh Kazakhstan là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017 – 2018.

Ủy ban Liên chính phủ giữa Việt Nam và Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật đã họp luân phiên được 8 kỳ. Kỳ họp thứ 8 mới diễn ra tại Hà Nội vào ngày 05/12/2017, cùng với kết quả của buổi tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trước đó, hai bên đều nhất trí tăng cường hơn nữa trong hợp tác thương mại và đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, kết nối trong các linh vực thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo máy, xây dựng hạ tầng, công nghiệp quốc phòng,..

Trao đổi hợp tác, giao lưu văn hóa giữa hai nước đã được quan tâm thúc đẩy. Đã có các đoàn nghệ thuật của hai nước sang biểu diễn ở mỗi bên, đặc biệt là trong các dịp trao đổi đoàn cấp cao. Trong năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chương trình “Tuần Văn hóa” đã được tổ chức trao đổi tại mỗi nước. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Kazakhstan (29/6/1992 – 29/6/2017), Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Kazakhstan, cùng nghệ sỹ của hai quốc gia tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật, quan khách tham dự đã được thưởng thức các tiết mục đặc sắc nhất do nghệ sỹ hai nước trình diễn và đã có những ấn tượng tốt đẹp về truyền thống văn hóa giàu bản sắc của chúng ta. Để ủng hộ nước chủ nhà Kazakhstan đăng cai tổ chức EXPO ASTANA 2017, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của EXPO, Ngôi nhà Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của du khách với không gian trưng bày mở, cùng các hiện vật thể hiện đời sống văn hóa của các vùng miền Việt Nam, du khách có thể trực tiếp tương tác với nhiều hiện vật trưng bày, tạo cảm giác gần gũi. Trong khuôn khổ của EXPO diễn ra trong 3 tháng, với việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các món ăn dân tộc của Việt Nam, chúng ta đã giới thiệu, quảng bá tới bạn bè quốc tế và người dân Kazakh về một nền văn hóa truyền thống, đậm đà bẳn sắc, hiếu khách của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Hai nước cần tiếp tục trao đổi các hoạt động giao lưu văn hóa không chỉ ở cấp Trung ương mà cả ở cấp địa phương. Qua các hoạt động trao đổi giao lưu văn hóa, các cơ quan chức năng hai nước có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa, cũng như kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, … và nhân dân hai nước sẽ có điều kiện để hiểu biết sâu hơn nữa về truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của mỗi bên.

Nhờ có công tác tuyên truyền quản bá du lịch tốt, mấy năm trở lại đây, lượng khách du lịch Kazakhstan đến với Việt Nam ngày càng tăng. Việc hãng hàng không Air Astana có chuyến bay trực tiếp đến thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở thuận lợi để phát triển thị trường khách du lịch từ Kazakhstan sang Việt Nam. Kazakhstan cũng được đánh giá là một thị trường có tiềm năng phát triển đối với du lịch Việt Nam, nhất là thị phần khách du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái. Trung bình lượng khách du lịch từ Kazakhstan sang Việt Nam mỗi năm là khoảng 10.000 lượt khách, tuy nhiên, lượng khách du lịch Việt Nam sang Kazakhstan còn rất khiêm tốn. Để thúc đẩy du lịch hai chiều, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, thời gian tới, hai nước cần xác định tầm quan trọng của phát triển hợp tác du lịch, coi du lịch là một nền công nghiệp không khói mũi nhọn trong phát triển kinh tế của mỗi bên và có những biện pháp mang tính  đột phá trong phát triển du lịch giữa hai nước, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cùng các công ty du lịch cần tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch, giới thiệu các tour, tuyến, các sản phẩm du lịch của mỗi bên tới khách du lịch của hai nước Giới thiệu ẩm thực, văn hóa đặc sắc truyền thống của các dân tộc, vùng, miền trong các tour, tuyến, cung cấp các dịch vụ du lịch tốt cũng là những yếu tố rất quan trọng để giữ chân du khách hay du khách khẳng định sẽ quay trở lại..

Hai nước cũng đang xem xét thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, một số các văn bản thỏa thuận trong lĩnh vực an ninh giữa hai nước đang được hoàn thiện và sẽ ký kết trong thời gian sớm nhất.

PV: Năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm chính thức Kazakhstan. Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc tăng cường hợp tác giữa quốc hội hai nước cũng như quan hệ Việt Nam – Kazakhstan, thưa Đại sứ?

Chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ góp phần củng cố quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Kazakhstan)

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền: Chuyến thăm chính thức Kazakhstan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có một ý nghĩa rất quan trọng, được phía Bạn đánh giá là chuyến thăm lịch sử, vì đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Kazakhstan, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Đặc biệt chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Kazakhstan của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ góp phần củng cố quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương phát triển lên một tầm cao mới.

Tại chuyến thăm này, hai bên đều khẳng định quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội là kênh quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, vì vậy cần thúc đẩy việc trao đổi đoàn giữa các cơ quan của Quốc hội hai nước để cùng chia sẻ kinh nghiệm lập pháp cũng như giám sát thực hiện pháp luật ở mỗi bên; đồng thời hai bên cần xây dựng và phát huy cơ chế tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; tăng cường trao đổi đoàn các cấp; phối hợp giám sát thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký giữa hai nước và tạo dựng cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Kazakhstan đã được thành lập, sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, giữa cơ quan lập pháp hai nước nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu.

Phóng viên: Việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm các nước:  Armenia,  Belarus, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan) đã bước đầu đem lại nhiều cơ hội mới cho các quốc gia thành viên. Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thương mại giữa Việt Nam và Kazakstan?

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền: Có thể nói, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  Liên minh kinh tế Á – Âu đã đánh dấu một trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu nói chung, với từng nước thành viên nói riêng, đã mở ra một cơ hội mới cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam, Kazakhstan và các nước thành viên khác của Liên minh trong hợp tác phát triển thương mại thông qua việc được hưởng ưu đãi về thuế xuất, các rào cản dần được rỡ bỏ, một loạt các mặt hàng được hưởng lợi thuế xuất bằng 0%, các mặt hàng khác được đưa vào lộ trình xem xét giảm dần thuế cho đến khi thuế xuất về bằng 0%. Điều này đã khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế, thương mại giữa giữa Việt Nam và Kazakhstan.

Từ khi Hiệp định có hiệu lực (05/10/2016) đến nay, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Kazakhstan đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các nguồn báo cáo chính thống của Kazakhstan, năm 2014, kim ngạch hai chiều giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt khoảng 270 triệu USD, riêng năm 2015 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch hai chiều chỉ đạt khoảng 220 triệu USD, nhưng con số này đã tăng đột biến lên 366 triệu USD năm 2016 và đạt khoảng 450 triệu USD năm 2017 (số liệu này có thể rất khác với số liệu thống kê của Việt Nam, do rất nhiều hàng hóa của Việt Nam nhập vào Kazakhstan qua nước thứ ba như Nga, Trung Quốc, và Kazakhstan tính số liệu theo nguyên tắc xuất sứ hàng hóa). Như vậy, việc doanh nghiệp hai nước tìm đến nhau để trực tiếp hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa mà không cần qua đối tác thứ ba là điều cần thiết, cần được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ thực hiện.

Trước năm 2016, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Kazakhstan chủ yếu là các mặt hàng điện thoại di động, linh kiện, hàng điện tử và phụ kiện đi kèm, hàng nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày da, ... Tuy nhiên, trong năm 2017, lần đầu tiên Kazakhstan xuất siêu sang Việt Nam với các mặt hàng là thế mạnh như: sắt, thép, quặng các loại, máy móc nông nghiệp, các sản phẩm từ lúa mì, lúa mạch,... Tiềm năng phát triển thương mại giữa hai nước còn nhiều dư địa. Hai bên cần tranh thủ ưu đãi thuế quan mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu mang lại cho mỗi bên.

PV: Mặc dù trong năm qua, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế -  thương mại đã có những chuyển biến tích cực song chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vậy theo Đại sứ, hai nước phải làm gì để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại?

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền: Theo tôi, hai bên thông qua cơ chế hoạt động của Ủy ban liên chính phủ về kinh tế  - thương mại, khoa học – kỹ thuật cần nghiêm túc đánh giá các kết quả đã đạt được trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện cần được quan tâm tháo gỡ, từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra các biện pháp hữu hiệu, tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các biên bản thỏa thuận đã ký kết tại các kỳ họp, tránh tình trạng ký xong nhưng triển khai thực hiện kém hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan chụp ảnh kỷ niệm cùng đại biểu hai nước (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Kazakhstan)

Trước mắt, hai bên cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho triển khai, thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau. Mặt hàng giữa hai nước có tính bổ trợ cho nhau, đây là lợi thế cho phát triển thương mại của mỗi bên, doanh nghiệp hai nước cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường của nhau, từ đó đưa ra các chiến lược trong xuất nhập khẩu hàng hóa là thế mạnh của mỗi bên. Vấn đề vận tải, logistic cũng cần được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp của hai nước quan tâm để giải quyết tốt bài toán về vận tải, logistic trong điều kiện hai nước cách xa về địa lý, đồng thời làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Trong ba năm qua, hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Kazakhstan đã tăng 30%, trong đó chủ yếu là hợp tác thương mại, với những điều kiện và nhu cầu nêu trên, tôi tin tưởng chắc chắn rằng hai nước sẽ đạt được mục tiêu về kim ngạch thương mại hai chiều, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt và vượt con số 500 triệu USD/năm trong thời gian sớm nhất như kỳ vọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Nhân dịp Năm mới, thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan, tôi xin kính chúc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

 

            

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực