Tham vấn hoàn thiện Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước chống tra tấn

Thứ hai, 15/10/2018 17:22
(ĐCSVN) – Việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các nghĩa vụ thành viên Công ước chống tra tấn. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ Công an chủ trì xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia về thực thi một điều ước quốc tế về quyền con người...
Hội thảo tham vấn Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam
về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Công an và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã tổ chức Hội thảo tham vấn Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn. Trung tướng, GS TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia, UNDP Việt Nam; Ông George Tugushi, Cựu thành viên Ủy ban Chống tra tấn của Liên hợp quốc, chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Trung tướng, GS TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết: Công ước chống tra tấn là một trong 09 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Nội dung Công ước phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, do đó, Việt Nam đã tích cực, khẩn trương phê chuẩn Công ước.

Trung tướng, GS TS Nguyễn Ngọc Anh phát biểu khai mạc 

Ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 07/3/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự kiện pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo vệ quyền con người và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực thi Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của Liên hợp quốc, có tham khảo kinh nghiệm từ báo cáo quốc gia của các thành viên khác của Công ước và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế. Sau nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28/4/2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc theo quy định tại Điều 19 của Công ước.

Theo chương trình làm việc của Ủy ban chống tra tấn, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam dự kiến sẽ trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ trong các ngày 14 - 15/11/2018. Để phục vụ cho công tác bảo vệ Báo cáo quốc gia, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp các thông tin, số liệu để xây dựng Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia.

Việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các nghĩa vụ thành viên Công ước chống tra tấn. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Công an chủ trì xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia về thực thi một điều ước quốc tế về quyền con người nên cần tham khảo nhiều ý kiến, nhất là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trung tướng, GS TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì trong triển khai thực thi Công ước chống tra tấn, hy vọng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến tham vấn từ các đại biểu nhằm hoàn thiện Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia; đặc biệt là về kết cấu, nội dung và các thông tin cần được trình bày trong Bài phát biểu của Trưởng đoàn công tác liên ngành của Việt Nam trước Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc, cũng như các nội dung dự kiến cần trả lời Ủy ban liên quan đến quá trình thực thi Công ước./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực