Việt Nam chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm vào các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ

Thứ năm, 11/10/2018 22:55
Tại Lễ khai mạc trọng thể Hội nghị cấp cao lần thứ 17 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, khẳng định sự cam kết và gắn bó của Việt Nam đối với Pháp ngữ và cam kết nói chung với chủ nghĩa đa phương.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực SNG, sáng 11/10 theo giờ địa phương, tại thủ đô Yerevan của nước Cộng hòa Armenia, trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp ngữ đã khai mạc trọng thể Hội nghị cấp cao (HNCC) lần thứ 17 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh với Thủ tướng Armenia Nikol Parshynian, Tổng thư ký OIF Michaelle Jean. Ảnh: Lê Hằng - PV TTXVN tại Yerevan

Tham dự hội nghị có gần 3.500 đại biểu đến từ 84 nước và vùng lãnh thổ là thành viên và quan sát viên của tổ chức này, trong đó có lãnh đạo cao cấp của 38 nước. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, tham dự phiên toàn thể và nhiều phiên họp song phương bên lề hội nghị. Gần 500 nhà báo Armenia và nước ngoài đã đăng ký đưa tin tại Hội nghị.

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 diễn ra với chủ đề “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: Cội nguồn của hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ”. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong không gian Pháp ngữ có nhiều diễn biến phức tạp.

Tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo nhưng các yếu tố bất ổn, nguy cơ xung đột cục bộ ngày càng nhiều. Các điểm nóng trên thế giới, nhất là tại Trung Đông, châu Phi, Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Các thách thức toàn cầu như: Nguy cơ khủng bố, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, di cư quốc tế... tác động tiêu cực đến hòa bình và phát triển ở nhiều nước, trong đó có nhiều nước Pháp ngữ. Trong bối cảnh đó, HNCC 17 có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để các nước thành viên trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp hành động để chung tay ứng phó với các thách thức nêu trên, trước hết trong không gian Pháp ngữ.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, khẳng định sự cam kết và gắn bó của Việt Nam đối với Pháp ngữ và cam kết nói chung với chủ nghĩa đa phương, thể hiện sự triển khai tích cực và chủ động các định hướng về ngoại giao đa phương của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam là nước Pháp ngữ chủ chốt tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trong lịch sử tham gia tổ chức, Việt Nam đã luôn chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động Cộng đồng Pháp ngữ; đóng góp thực chất vào những vấn đề hợp tác trong Cộng đồng Pháp ngữ. Các cuộc gặp song phương tại HNCC 17 cũng là diễn đàn được Việt Nam hết sức chú trọng để thúc đẩy các sáng kiến và quan điểm của mình về các vấn đề quốc tế trong không gian Pháp ngữ, đặc biệt là vận động sự ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Sau phiên khai mạc trọng thể, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, cùng Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Chí Dũng đã tham dự Phiên họp kín về tình hình thế giới.

Cùng ngày, lãnh đạo các nước và đoàn đại biểu đánh giá kết quả các công việc đã làm, chứng kiến lễ chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên từ nước chủ nhà HNCC 17 từ Madagascar cho Armenia.

Theo kế hoạch, trong hai ngày làm việc, hội nghị sẽ xem xét thông qua Tuyên bố Yerevan, Lời kêu gọi về cùng chung sống của Pháp ngữ, một số nghị quyết, trong đó có nghị quyết về tình hình an ninh, chính trị trong không gian Pháp ngữ, Chiến lược Pháp ngữ về bình đẳng nam-nữ và Chương trình hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2019-2022, xem xét đề nghị xin gia nhập của Ireland, Gambia, Malta, bang Lousiana (Lu-di-an-na) của Mỹ, bầu Tổng thư ký mới của OIF.

Dự kiến trong ngày họp 12/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ có bài phát biểu tại phiên họp sau khi thảo luận về báo cáo của Tổng thư ký về các chủ đề của hội nghị.

Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 84 nhà nước và chính phủ thành viên với hơn 900 triệu dân trên cả năm châu lục. Kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ, bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Cộng đồng và đề cao hợp tác kinh tế, Pháp ngữ ngày càng khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trên trường quốc tế, hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực như: hòa bình, an ninh, đa dạng văn hoá, ngôn ngữ, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác kinh tế và phát triển bền vững./.

Tâm Hằng (TTXVN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực