Việt Nam coi trọng cải cách tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển đất nước

Thứ năm, 18/10/2018 18:31
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 15 - 20/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có buổi giới thiệu về cải cách tư pháp tại Việt Nam cho các công tố viên Nhật Bản.
Buổi giới thiệu về cải cách tư pháp tại Việt Nam cho các công tố viên
Nhật Bản được tổ chức tại Bộ Tư pháp Nhật Bản. (Ảnh: Thành Hữu)

Buổi giới thiệu tại khán phòng Bộ Tư pháp Nhật Bản có sự tham gia của hàng trăm công tố viên, cùng nhiều giáo sư nghiên cứu luật học của Nhật Bản. Trình bày với các đại biểu tham dự, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam rất coi trọng cải cách tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển đất nước với nội dung cốt lõi là tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Thực hiện nội dung này, Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tư pháp của Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh quan trọng về lĩnh vực tư pháp hình sự, với những nguyên tắc được bổ sung như mọi hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đều phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, bao gồm nhiều cơ chế cả cơ chế kiểm soát trong nội bộ, hệ thống của mỗi cơ quan và cơ chế từ bên ngoài hệ thống; quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước nhằm kiểm soát thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; người bị buộc tội coi là không có tội cho đến khi chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa có hiệu lực thi hành; mở rộng đảm bảo quyền bào chữa; xét xử kín đối với người chưa tới tuổi vị thành niên hoặc đảm bảo bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần; giảm hình phạt tử hình đối với 7 tội danh trong bộ luật hình sự; quy định cụ thể các tình tiết định lượng thay cho định tính trong hầu hết các khung, khoản của điều luật để đảm bảo khách quan, minh bạch; mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự phải do luật định; “trọng chứng hơn trọng cung”; tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội trong suốt quá trình tố tụng; đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử…

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng trình bày giải pháp phòng chống oan sai và bỏ lọt tội phạm mà Việt Nam đang triển khai, khẳng định đây là mục tiêu xuyên suốt của cải cách tư pháp, vừa là thước đo của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Các giải pháp được trình bày như phòng chống tham nhũng; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; ban hành luật trách nhiệm bồi thường nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên về năng lực, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; giáo dục truyền thống kết hợp với công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ, đạo đức công vụ để xử lý nghiêm sai phạm đồng thời khen thưởng đúng, kỷ luật nghiêm minh. Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng đây cũng là nhiệm vụ chính, hết sức khó khăn mà ngành kiểm sát được giao phó.

Các đại biểu tham dự đã đánh giá cao công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam, đặc biệt là những cải cách trong đảm bảo quyền con người, quyền công dân, cũng như công tác nâng cao chất lượng của đội ngũ kiểm sát viên; đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Trước đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có các buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan của Bộ Tư pháp Nhật Bản. Dự kiến trong hai ngày 18 và 19/10, Viện trưởng Lê Minh Trí sẽ làm việc tại tỉnh Shizuoka (Si-dư-ô-ca), Kyoto (Ki-ô-tô) và kết thúc chuyến công tác tại Nhật Bản./.

Thành Hữu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực