Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 07/11/2018 18:34
(ĐCSVN) – Sau hai năm triển khai, dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” đã góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ một số bộ ngành,
các tổ chức trong nước và quốc tế... (Ảnh: AVV cung cấp)

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu” do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam và Tổ chức ActionAid Việt Nam đồng tổ chức ngày 7/11, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 50 đại biểu đến từ một số bộ ngành liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện chính quyền địa phương thuộc các địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đồng tài trợ. Dự án được Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2018 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam – Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam Hoàng Phương Thảo cho biết, dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” được triển khai với mục tiêu: nâng cao năng lực của cộng đồng (đặc biệt là phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số) nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; các bài học kinh nghiệm về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong quá trình triển khai dự án được nhân rộng tại cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Sau gần hai năm thực hiện, Dự án đã xây dựng và phát triển những mô hình và thực tiễn tốt được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao như: Cơ chế phối phối hợp phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng; Mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu - Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới; Ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu về rủi ro thiên tai và tính dễ bị tổn thương, vận hành hệ thống cảnh báo sớm, và xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Theo nghiên cứu thời gian đầu khi dự án triển khai tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh có 13% hộ gia đình bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai, mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp; 6,3% hộ gia đình phải bỏ tiền để khắc phục các vấn đề liên quan đến nguồn nước sinh hoạt hoặc dịch bệnh. Bình quân mỗi hộ bị ảnh hưởng phải bỏ tới hơn 73 ngày công lao động hộ để khắc phục các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những con số nêu trên đã cho thấy tác động to lớn đến đời sống và sản xuất của người dân tại đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh những ảnh hưởng từ bão, lũ, theo ước tính, cứ mỗi mét nước biển dâng cao hơn, sẽ có ít nhất 23% diện tích đất đồng bằng sông Cửu Long bị ngập dưới biển, đồng nghĩa với việc ít nhất 30 triệu người Việt Nam sẽ bị mất nhà cửa, đất đai, sinh kế trên chính quê hương của mình.

Theo bà Hoàng Phương Thảo, thành công nhất của dự án là việc đưa ứng dụng PDG trên điện thoại thông minh giúp người dân, đặc biệt phụ nữ và thanh niên có thể tham gia cung cấp các thông tin liên quan đến các hiện tượng thiên tai xảy ra ở địa phương mình cho các cơ quan liên quan, đồng thời nhận các thông tin cảnh báo sớm về thiên tai có thể xảy ra để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Thông tin tổng hợp từ phần mềm sẽ được phân tích và làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai của địa phương. Bên cạnh đó, các kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai các cấp được xây dựng với sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng; các kế hoạch này được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương để có sự phân bổ ngân sách và nguồn lực phù hợp cho việc triển khai.

Đánh giá về hiệu quả của dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn huyện Kế Sách, ông Vũ Bá Quan - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới cho các hộ nghèo, dân tộc ở các 3 xã của huyện Kế Sách được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao vì đây mô hình đầu tiên ở Sóc Trăng tập trung hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng tiếp tục sản xuất và cải thiện thu nhập trong bối cảnh điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng bất lợi trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp phòng chống thiên tai do dự án hỗ trợ xây dựng và hoàn chỉnh giúp làm rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò tích cực của các nhóm cộng đồng. Đây là hai thành công quan trọng của dự án.

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến về những nội dung liên quan đến việc xây dựng năng lực cho cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa các tổ chức để chung tay giải quyết các vấn đề về ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực