Đề xuất giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận và các đoàn thể với chính quyền đô thị

Thứ sáu, 04/05/2018 21:39
(ĐCSVN) – Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền đô thị thành phố Hà Nội. Phân tích, làm rõ hơn những điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện phối hợp giữa các cơ quan trên.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo.
(Ảnh: LN)

Chiều 4/5, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội”. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Ngày 07/11/2017, tại Kết luận số 22 -KL/TW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020", Bộ Chính trị đã quyết định cho Thủ đô Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận trên và Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Thành ủy Hà Nội đang xây dựng Đề án thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị của Thành phố, nhằm “Đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Thủ đô Hà Nội”.

Để có cơ sở lý luận và thực tiễn, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án của Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng 8 chuyên đề, trong đó có Chuyên đề "Thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội".

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế của tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp của Hà Nội. Trong đó mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở vẫn còn những hạn chế, bất cập. Các quy định của Trung ương, Thành phố chưa đề cập rõ trách nhiệm quyền hạn đối với cá nhân Bí thư cấp ủy trong mối quan hệ với Chủ tịch UBND và cấp trưởng tổ chức chính trị xã hội; quy chế phối hợp, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền còn hình thức, chưa hiệu quả, chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội chưa cao…

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Chuyên đề “đổi mới mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội” là một nội dung đặc biệt quan trọng của Đề án thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị của Thành phố, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị Thành phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và nhu cầu đô thị hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đảm bảo Nhà nước Việt Nam là Nhà nước XHCN, thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền đô thị thành phố Hà Nội. Phân tích, làm rõ hơn những điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện phối hợp giữa các cơ quan trên. Đồng thời đề ra những kinh nghiệm trong việc thực hiện đổi mới mối quan hệ lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền; mối quan hệ giữa Mặt trận và các tổ chức – xã hội chính quyền trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị. Các đại biểu đề xuất định hướng, quan điểm, giải pháp cụ thể đổi mới mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội. Đồng thời, chỉ rõ những tác động khi xây dựng chính quyền đô thị với những mô hình giữ nguyên tổ chức HĐND như hiện nay hoặc có sự thay đổi. Trong đó, có việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND, UBND cùng cấp; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội...

* Cũng nằm trong chuỗi vấn đề về một số nội dung liên quan đến chính quyền đô thị, sáng 4/5, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của Thành phố Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo sáng 4/5. (Ảnh: LN)
 
Hội thảo được tổ chức với mục đích xin ý kiến, góp ý, trao đổi và bổ sung nội dung, nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã tại thành phố. Trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước tại quận, phường, thị xã của Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần thiết phải có lộ trình thực hiện. Về mô hình cụ thể, dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án. Trong đó, phương án 1 và phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường), riêng cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Thủ trưởng hành chính hoặc thiết chế Ủy ban. Còn phương án 3 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), một cơ quan hành chính đại diện (phường), cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Ủy ban.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ, 3 phương án được thiết kế mới là những gợi mở ban đầu, còn thực tiễn thì còn rất nhiều việc cần phải đánh giá, nhất là phải có đánh giá tác động của từng phương án khi thực hiện thí điểm ra sao. Thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để phục vụ việc hoàn thiện nội dung các chuyên đề và Đề án thí điểm chính quyền đô thị trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND và UBND quận, huyện, thị xã; nêu những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và chỉ ra nguyên nhân. Từ đó, đề xuất các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội. Đa số các ý kiến đều nhất trí quan điểm chung là thí điểm, nhưng phải trong khung của Hiến pháp, phù hợp với thể chế chính trị và đặc điểm của Hà Nội, như vậy mới có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị phải có lộ trình thực hiện, vì là thí điểm thì có thể thành công hoặc không nhưng bắt buộc phải có lộ trình rõ ràng./.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực