Hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ năm, 21/03/2019 17:37
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tận dụng thế mạnh của vùng, Hội Nông dân các cấp thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch canh nông, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống của nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ Lê Bá Phước cho biết: Hội Nông dân thành phố Cần Thơ hiện có trên 88.000 hội viên, chiếm khoảng 95% hộ sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Nghị quyết của Thành ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Hội Nông dân các cấp đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mô hình du lịch canh nông.

Theo đó, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ đã chủ động phối hợp hỗ trợ, xây dựng một số mô hình du lịch canh nông, các mô hình này đã chứng tỏ hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Trong quá trình hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình, các cấp hội đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, bám sát quy hoạch; có kế hoạch phối hợp các ngành để đánh giá, định hướng, tư vấn cho các hộ nông dân tiếp tục xây dựng các mô hình ngày càng hiệu quả và bền vững hơn.

Mô hình vận động nông dân tham gia duy trì mua bán trên các chợ nổi truyền thống

Chợ nổi Cái Răng, nét đẹp văn hóa độc đáo của Cần Thơ đã được tận dụng
giúp nông dân có thu nhập ổn định. (Ảnh: Hoàng Mẫn)

Chủ tịch Hội Nông dân Cần Thơ Lê Bá Thước cho biết: Trên địa bàn thành phố có các chợ nổi như Cái Răng, Phong Điền là nét văn hóa độc đáo của Miền Tây nói chung, của thành phố Cần Thơ nói riêng; trong đó, chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, do hệ thống đường giao thông ngày càng phát triển, nên việc mua bán, trao đổi hàng hóa trên chợ nổi không còn đông đúc như trước. Để duy trì nét đẹp văn hóa, thành phố có chủ trương hỗ trợ người dân mua bán trên chợ nổi.

Hội Nông dân đã phối hợp vận động các hộ mua bán trái cây, rau, củ quả vừa để giao thương, vừa phục vụ khách tham quan; các loại trái cây chủ yếu như cam, cóc, xoài, chuối, dừa, hoa, kiểng phục vụ Tết cổ truyền. Một số hộ dân tham gia dịch vụ ẩm thực trên sông tại chợ nổi, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương hỗ trợ vốn cho hộ dân mua phương tiện, thu mua nông sản của nông dân. Đến nay, số lượng người mua bán đã được duy trì ổn định, hàng ngày trung bình có trên 200 thuyền ghe mua bán, trong đó có trên 55 hộ là nông dân địa phương. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng tàu, ghe mua bán đông đúc, gấp 2-3 lần so với ngày thường, hàng hóa cũng phong phú hơn. Từ mô hình này góp phần bảo tồn văn hóa địa phương và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân.

Bên cạnh đó, thời gian qua Hội Nông dân thành phố đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: Mô hình trồng hoa kiểng kết hợp du lịch, mô hình sản xuất rau an toàn... Các mô hình này đã đạt được những kết quả khả quan, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Từ trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ cho biết: Để mô hình này tiếp tục nhân rộng và phát triển, Hội Nông dân thành phố phối hợp sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá từng hộ tham gia và có chia sẻ, rút kinh nghiệm, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ để hộ nông dân tiếp tục duy trì và phát triển mô hình.

Bên cạnh những mô hình đã được xây dựng, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phát triển mô hình du lịch canh nông trên cánh đồng lớn và vùng nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hội cũng tổ chức các đoàn đưa nông dân học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu mô hình du lịch canh nông trong và ngoài nước

Mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch 

Mô hình được xây dựng và phát triển tại Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Có vị trí thuận lợi nằm giữa sông Hậu, Cồn Sơn cách đường quốc lộ 1km; cách trung tâm thành phố 10km về hướng Tây. Diện tích cồn chỉ trên 70 ha, với 58 hộ dân sinh sống, sản xuất chủ yếu của nông dân là vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng.

Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa,
quận Bình Thủy, TP Cần Thơ thu hút khách du lịch. (Ảnh:Minh Huyền)

Hội Nông dân thành phố Cần Thơ đã chủ động phối hợp với quận ủy Bình Thủy và ngành chức năng hỗ trợ các hộ dân phát triển mô hình vườn cây, ao cá gắn với dịch vụ du lịch. Từ năm 2015, Hội đã phối hợp vận động người dân xây dựng tuyến đường bê tông ngang 0,5m, dài gần 2km quanh cồn để phục vụ nhu cầu đi bộ của khách du lịch.

Hội Nông dân đã phối hợp ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình khảo sát nhu cầu phát triển và khả năng xây dựng mô hình. Qua đó, đã chọn ra được 09 nhà vườn có đủ điều kiện để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Hội phối hợp, tổ chức tư vấn, thiết kế, tập huấn kỹ thuật từng nhà vườn vừa chăm sóc phát triển vườn cây ăn trái tươi tốt, sản phẩm an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, Hội còn tư vấn nông dân trồng thêm một số cây ăn trái như ổi, chôm chôm, thanh long, mít, dừa… để có thể cho trái quanh năm, đa dạng sản phẩm thu hút và phục vụ khách tham quan.

Ngoài việc chăm sóc, phát triển vườn cây ăn trái để có thu hoạch quanh năm, Hội Nông dân phối hợp tập huấn, hỗ trợ con giống thủy sản cho người dân trên địa bàn như cá lóc, cá tai tượng, rô phi… để thả nuôi trong các kênh, mương của vườn, giúp tăng thu nhập, đồng thời làm phong phú thêm mô hình.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu ẩm thực của du khách ngày càng tăng, Hội phối hợp tổ chức thêm dịch vụ mỗi gia đình một sản phẩm. Trong 9 hộ dân, mỗi nhà đảm nhiệm làm một loại bánh dân gian như: bánh chuối, bánh xèo, bánh ít trần... để cung cấp cho khách tham quan; thu hút được nhiều khách tham quan trong và ngoài thành phố.

Hiện tại, số hộ tham gia làm du lịch trên địa bàn đã lên 25 hộ, kèm theo những  dịch vụ khác như vận chuyển, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn khách tham quan. Mỗi ngày có trung bình 250 khách du lịch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân, cũng như cộng đồng dân cư sinh sống ở Cồn Sơn. Ngoài ra, sản phẩm trái cây và các loại cá ở đây được nuôi trồng theo hướng an toàn nên dễ tiêu thụ.

Mô hình sản xuất nông hộ kết hợp du lịch

Đây là mô hình phát triển ở những nông hộ có vườn cây ăn trái đặc sản, thuận tiện đường giao thông, thường có diện tích từ 1-3 ha.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 75 hộ phát triển du lịch sinh thái vườn, tập trung tại huyện Phong Điền, Cái Răng, Bình Thủy và quận Ô môn. Vườn cây chủ yếu là chôm chôm, thanh long, cây có múi, dâu Hạ Châu, mít, xoài, vú sữa…; đồng thời có những ao cá đặc sản như cá lóc bông, cá dứa, hộ dân còn kết hợp nuôi một số gia cầm như gà lôi, công, gà đông tảo… thu hút khách tham quan.

Để xây dựng và nhân rộng mô hình này, Hội Nông dân phối hợp khảo sát địa điểm, tư vấn, hỗ trợ nông dân cải tạo vườn, trồng mới những cây đặc sản. Hội giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 50 hộ, mỗi hộ từ 50 đến 100 triệu đồng để đầu tư phát triển. Hiện tại, có những nhà vườn phát triển rất hiệu quả như hộ ông Lê Văn Bon, hộ ông Đặng Văn Công, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy; hộ ông Trần Văn Liền, hộ ông Nguyễn Văn Hồng xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền….  Bên cạnh đó, nhằm hướng tới đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, Hội phối hợp thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân, hướng dẫn nông dân đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Điển hình như dâu Hạ Châu, Phong Điền; vú sữa Giai Xuân; sầu riêng Tân Thới… vừa góp phần phục vụ khách tham quan du lịch, vừa có thể giới thiệu quảng bá nông sản vào thị trường khó tính...

Thời gian tới, để mô hình này tiếp tục nhân rộng và phát triển, Hội Nông dân thành phố phối hợp sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá từng hộ tham gia và có chia sẻ, rút kinh nghiệm; đồng thời có kế hoạch hỗ trợ để hộ nông dân tiếp tục duy trì và phát triển mô hình.

Bên cạnh những mô hình đã được xây dựng, Hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phát triển mô hình du lịch canh nông trên cánh đồng lớn và vùng nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực