Kiềm chế và ngăn chặn tội phạm mua bán người

Thứ bảy, 28/07/2018 16:50
(ĐCSVN) – Các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững trong bối cảnh tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực đang trở thành vấn đề ngày càng phức tạp.
Các đại biểu chia sẻ về giải pháp phòng, chống mua bán người thông qua
di cư trái phép ra nước ngoài tại lễ mít tinh - Ảnh: Hoàng Mẫn


Sáng 28/7, tại Thành phố Sơn La, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2018.

Hơn 600 đại biểu đại diện lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, bộ, ngành Trung ương; đại diện các sở, ban, ngành của 12 tỉnh/thành phố trọng điểm của phía bắc về mua bán người, di cư trái phép tham dự Lễ mít tinh.

Với chủ đề "Phòng chống mua bán người thông qua di cư trái phép", Lễ mít tinh là sự kiện quan trọng huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững trong bối cảnh tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực đang trở thành vấn đề ngày càng phức tạp.

Theo thống kê, giai đoạn 2011-2017, tại Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 900 người đã bị mua bán (trong đó 92% là phụ nữ và trẻ em). Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Trước tình hình mua bán người diễn biến phức tạp và có nhiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng, đặc biệt là ngành công an đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đấu tranh, kiềm chế và đẩy lùi một cách có hiệu quả loại tội phạm này.

 

Diễu hành hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - Ảnh: Hoàng Mẫn


Cùng với đó, Hội LHPN Việt Nam và các cấp hội đã phối hợp với ngành công an đã xây dựng nhiều mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: truyền thông phiên chợ, sinh hoạt CLB... Từ những mô hình này, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm.

Tại Lễ mít tinh đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Hội LHPN Việt Nam và tỉnh Sơn La đã nhấn mạnh về tính chất nghiêm trọng và diễn biến tinh vi, phức tạp của tội phạm mua bán người thời gian gần đây và kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chung tay hành động vì một xã hội không có tội phạm mua bán người, một xã hội an toàn, lành mạnh, phát triển, bình đẳng, hạnh phúc.

Trong khuôn khổ Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2018 đã diễn ra các hoạt động: Triển lãm ảnh về "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với công tác phòng, chống mua bán người"; hội thảo "Bàn giải pháp phòng, chống mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài"; diễu hành mít tinh hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người…/.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực