Năm 2017, Hà Nội huy động gần 9.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 05/01/2018 23:32
(ĐCSVN) - Chiều 5/1/2018, Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020" của Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban quý IV/2017, bàn nhiệm vụ, giải pháp năm 2018.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: LN)

Năm 2017, Hà Nội có thêm 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 4 và 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Ngân sách thành phố đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể cho xây dựng NTM từ năm 2016 đến nay là 7.570.804 triệu đồng. Các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp trong phong trào được 1.556.425 triệu đồng. Riêng năm 2017, tổng kinh phí huy động là gần 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí 250 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố giải quyết cho vay đến đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.

Trong năm thứ hai thực hiện, tổng giá trị sản xuất nông lâm, thuỷ sản tăng 2,33% so với năm 2016. Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Ngoài ra, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 3,65% (năm 2016), giảm xuống còn 2,57% (cuối năm 2017). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong xây dựng NTM, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, đặc biệt đời sống thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp, thiếu ổn định. Cùng với đó, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị tại một số huyện còn thấp. Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu......

Các tham luận tại hội nghị đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong năm 2017, đồng thời nêu ra những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả hơn các nội dung của Chương trình trong năm 2018.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020" của Thành ủy Hà Nội biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo Chương trình 02 từ thành phố đến cơ sở; nhân dân vào cuộc nhiệt tình và các sở, ban, ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ với quận, huyện. Nhờ đó, những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống người nông dân là một trong những thành tựu nổi bật của Hà Nội trong năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: LN)

Trước nhiều nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong năm 2018, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, trong thời gian tới, các huyện tập trung phát triển các vùng chuyên canh, tuy nhiên không làm theo kiểu phong trào mà chú trọng phát triển những sản phẩm là thế mạnh của địa phương. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện tốt khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”…

"Với những huyện, xã đã đạt chuẩn NTM không chủ quan với kết quả đã đạt được mà thường xuyên kiểm tra, duy trì bền vững kết quả đạt được. Với những xã, huyện đang phấn đấu phải tập trung xây dựng đồng bộ về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, đời sống nông dân và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng xuyên suốt của Chương trình số 02 là phải nâng cao đời sống bền vững cho người nông dân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của Thành phố về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi... Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp…/.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực