Phát huy quyền làm chủ của nhân dân qua lá phiếu bầu cử

Thứ bảy, 21/05/2016 18:06
(ĐCSVN) - Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với đất nước và dân tộc. Thông qua hoạt động này, người dân cả nước phát huy quyền làm chủ của mình, thực hiện nghĩa vụ công dân thông qua việc đi bầu cử để chọn ra những người thật sự xứng đáng, có đủ cả đức lẫn tài, cả tâm lẫn tầm, để thay thế mình làm đại biểu dân cử.

Bầu cử sớm cho những cán bộ, chuyên gia làm việc ngoài giàn khoan Dầu khí. Ảnh: HH

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Ngày 22/5, cử tri Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mỗi lá phiếu không chỉ là minh chứng cho quyền công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ mà còn thể hiện lòng tin, sự gửi gắm trách nhiệm của hàng triệu cử tri cả nước đối với những người được bầu.

Thông qua lá phiếu của mình, mỗi cử tri góp phần xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh. Cũng qua lá phiếu để bày tỏ tình yêu đất nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết xây dựng và phát triển đất nước.

Một Nhà nước tổ chức bầu cử thật sự phát huy dân chủ đồng thời cử tri ý thức quyền dân chủ của mình và quyền làm chủ của mình để thông qua lá phiếu lựa chọn đại biểu xứng đáng đại diện cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Còn nhớ, trong dịp Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “mỗi lá phiếu như viên gạch đặt nền móng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”. Trên tinh thần tổng tuyển cử năm 1946, cho đến các kỳ bầu cử Quốc hội sau này,  Đảng, Nhà nước vẫn luôn đề cao việc phát huy tinh thần, ý chí làm chủ của người dân. Luật pháp nước ta đã quy định đi bầu cử không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Quyền là bầu ra những người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực của nhà nước. Còn nghĩa vụ là lựa chọn ra người thực sự xứng đáng, thực sự tiêu biểu để bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước thay mặt mình quyết định những vấn đề thuộc về Luật pháp, chủ trương chính sách, phát triển kinh tế-xã hội.

Cử tri bầu những người sau này thay mặt mình vào những cơ quan quyền lực của nhà nước ở Trung ương và địa phương. Như vậy, các cử tri cần ý thức trong việc xây dựng nhà nước, chính quyền bằng cách đi bầu cử đông nhất. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu tiểu sử, những vấn đề liên quan đến những người ứng cử hết sức chu đáo, kỹ lưỡng vì cùng một lúc chúng ta tổ chức 4 cấp, cả Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện xã. Trong cùng lúc ở mỗi nơi bầu cử có 4 danh sách, nếu không nghiên cứu kỹ  rất khó lựa chọn chính xác người mà mình bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lựa chọn người vào cơ quan quyền lực Nhà nước, nhiều cử tri dành sự quan tâm đặc biệt đến chương trình hành động của các ứng cử viên. Vấn đề này đã được các ứng cử viên trình bày rõ trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trong những ngày vừa qua. Các ứng cử viên đã được tuyên truyền, vận động, cổ động cho mình, thể hiện nguyện vọng, khả năng của mình để cử tri có quyền lựa chọn. Tại nhiều địa phương, ngoài những bản danh sách ứng cử viên được niêm yết trang trọng tại các địa điểm bầu cử, các bảng thông tin, các cán bộ tổ bầu cử cùng các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã “đi từng ngõ, gò từng nhà” để cung cấp bản danh sách có cả ảnh màu và trích ngang về các ứng cử viên. Cách làm này đã giúp cho từng cử tri, kể cả những người già yếu đều có điều kiện tìm hiểu. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú từ báo nói, báo viết, truyền hình và tuyên truyền miệng được tăng cường từ đầu năm đến nay đã tạo điều kiện cho từng cử tri nắm bắt được mọi quy trình, cách thức thực hiện quyền bỏ phiếu bầu cử và sẵn sàng cho sự lựa chọn của mình.

Cử tri cũng thường theo dõi cả quá trình đại biểu hoạt động trước đây đồng thời xem trình độ, tư cách đại biểu có xứng đáng đại diện cho dân không? Và tự quyết định bằng lá phiếu. Nguyện vọng của cử tri là những người đại diện cho tiếng nói của mình phải thực sự truyền tải được những tâm tư, nguyện vọng của mình tới Quốc hội. Những vấn đề thiết thực trong cuộc sống như điều kiện công ăn việc làm, an toàn thực phẩm, môi trường biển, an ninh biên giới biển, đảo và các vấn đề to tát liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc… có được khắc phục, cải thiện, phát triển như mình mong muốn hay không, phần lớn phụ thuộc vào việc cử tri có nhận thức thấu đáo và phát huy được trí tuệ và quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu hay không. Mỗi lá phiếu là quyền lợi và trách nhiệm của công dân. Bởi vậy, vào ngày 22 tháng 5, việc cử tri sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chính là minh chứng rõ nhất cho quyền công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ, phát huy tối đa quyền làm chủ của mình. Chọn được người xứng đáng là đã chọn cho tương lai của đất nước mình.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 phát huy cao nhất tính dân chủ, thực sự là “dân bầu, Đảng cử”, ngoài việc công khai danh sách các ứng cử viên, tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, các ứng cử viên và cử tri cũng có quyền giám sát công tác bầu cử, kiểm phiếu để đảm bảo tính công khai, dân chủ, khách quan. Đây là những điểm mới trong đợt bầu cử lần này.

Để giúp các cử tri có những danh sách cuối cùng trong ngày bầu cử, việc giới thiệu đại biểu qua hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc được tiến hành chặt chẽ, thể hiện tính dân chủ trong bầu cử. Đồng thời, việc giới thiệu người ra ứng cử cũng phải trên cơ sở tiêu chuẩn của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Quá trình hiệp thương dân chủ vừa bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng vừa đạt được sự đồng thuận của các thành viên mặt trận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu để cử tri lựa chọn người đại diện xứng đáng của nhân dân. Như vậy, những ứng cử viên trong danh sách để bầu cũng là những đại biểu đã được chọn lựa qua nhiều cấp với những hình thức dân chủ nhất để cho cử tri lựa chọn, quyết định.

Phát huy dân chủ trong bầu cử là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc đóng góp xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở các cấp, tạo không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân để ngày bầu cử sẽ là ngày hội lớn của toàn dân.

"Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình tức là phải nhắc nhở nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày Tổng tuyển cử" – lời nhắc nhở đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp chào mừng các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá I vẫn còn nguyên giá trị.

Chính vì vậy, mỗi một cử tri càng cần phải nhận thức thật sự sâu sắc, thấu đáo về tầm quan trọng của bản thân, về nghĩa vụ và quyền lợi của mình để chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu và vận động các thành viên trong gia đình tìm hiểu kỹ càng các mặt liên quan đến các ứng cử viên cũng như cách thức, thể lệ bầu cử, để ngày 22-5 thực sự trở thành ngày hội của toàn dân và để đạt được mục đích cao nhất của công tác bầu cử đó là bầu ra được những đại biểu thật sự xứng đáng vừa có tâm, vừa có tầm, vừa có năng lực, đại diện cho tiếng nói và lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Đó cũng chính là phát huy một cách mạnh mẽ nhất quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xu thế chung của thời đại./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực