Tạo chuyển biến trong thực hiện các Quy tắc ứng xử của Hà Nội

Thứ năm, 15/03/2018 22:13
(ĐCSVN) - Tại phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn diễn ra ngày 15/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã yêu cầu nhiều lãnh đạo sở, ngành, xã, phường giải trình những vấn đề được dư luận và nhân dân quan tâm.

Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động trả lời các đại biểu

Sẽ thí điểm chế tài xử phạt cán bộ có hành vi ứng xử chưa đẹp

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề yêu cầu giải trình đối với việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thế Cương về thực tế 2 bộ quy tắc ứng xử đã đi vào cuộc sống hay chưa? Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Tô Văn Động cho biết: Sau 1 năm thực hiện, 2 bộ Quy tắc ứng xử đã bước đầu đã đi vào cuộc sống, nhưng mới chỉ là kết quả ban đầu. Trong năm 2017, việc triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị trên khắp thành phố. Trong đó, 100% các quận, huyện, sở, ngành Thành phố thực hiện 2 bộ quy tắc này và có nhiều chuyển biến. Đáng chú ý, có 8 sở, ngành và 3 quận, huyện đã ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử.

Đối với bộ quy tắc ứng xử ở nơi công cộng, Giám đốc Tô Văn Động cho biết, tại các nơi công cộng, quảng trường, công viên, người dân đã ý thức hơn trong việc không ngắt hoa bẻ cành, vứt rác bừa bãi. Tại các cơ sở tôn giáo, người dân có ý thức chấp hành các quy định, tôn trọng tự do tín ngưỡng; khi tham gia giao thông đã có những hành vi ứng xử tốt hơn…

Tuy nhiên, Giám đốc Sở VHTT cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế  như: Chưa chuyển biến rõ rệt và tạo được nét văn hóa riêng biệt của người Hà Nội; công tác tuyên truyền chưa độc đáo, ý thức thực hiện của một số cán bộ còn kém; vẫn còn những hành vi không đẹp chưa được xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng của Thủ đô. Để 2 bộ quy tắc ứng xử đã đi vào cuộc sống, Giám đốc Sở VHTT cho rằng cần phải kiên trì hơn để tiếp tục để tạo sự đồng thuận và đồng hành của người dân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Nam về việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các bộ phận một cửa của các sở, ngành thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao? Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, hành phố đã triển khai lắp đặt camera tại các bộ phận “một cửa”, việc này hỗ trợ rất tích cực trong việc theo dõi, kiểm soát hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp. Về đánh giá sự hài lòng của người dân, quy tắc ứng xử mới ban hành hơn 1 năm và qua kết quả bước đầu cho thấy có chuyển biến. Nếu tới đây Thành phố có một hệ thống chế tài nữa thì sẽ là “gương soi” để làm cho các hành vi của các cán bộ công chức trực tiếp giải quyết công việc tốt hơn.

Đại biểu Đoàn Việt Cường đặt câu hỏi về việc UBND TP đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ công chức thành phố trong đó giao thủ trưởng các cơ quan có trách nhiệm triển khai và quán triển quy tắc ứng xử đến từng cán bộ kiểm tra, giám sát đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện vẫn còn xảy ra một số hành vi ứng xử chưa đúng như tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai và phường Dịch Vọng Hâu, quận Cầu Giấy. Vậy đề nghị Chủ tịch UBND xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai và phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết nguyên nhân, làm rõ kết quả tổ chức triển khai cũng như công tác kiểm tra giám sát cán bộ công chức tại đơn vị mình.

Nét mới của phiên giải trình lần này là lãnh đạo xã, phường để xảy ra vi phạm trong thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ trực tiếp trả lời giải trình về sự việc cụ thể.  Chủ tịch UBND xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) Phạm Văn Mạnh cho biết, quá trình triển khai 2 bộ quy tắc đã được quán triệt tại địa phương nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức có hành vi không chuẩn mực."Chúng tôi nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong quản lý cán bộ, công chức đã để xảy ra hành vi chưa chuẩn mực; trách nhiệm xác định trước tiên là người làm quản lý", Chủ tịch UBND xã Di Trạch chia sẻ.

 Chủ tịch UBND xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) Phạm Văn Mạnh trả lời giải trình

Để xảy ra tình trạng trên là ý thức, nhận thức tiếp nhận 2 bộ quy tắc chưa đầy đủ. Theo ông Phạm Văn Mạnh, thứ nhất xã sẽ kiện toàn ngay bộ phận một cửa, thứ hai là yêu cầu cán bộ công chức vi phạm có báo cáo giải trình và tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý để làm gương cho các cán bộ khác. Đồng thời chấn chỉnh bộ phận một cửa, tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, công khai hơn nữa để người dân nắm rõ và giám sát; công khai số điện thoại của bộ phận một cửa và lãnh đạo xã để phản ánh kịp thời những hành vi chưa đúng của cán bộ xã.

Cũng là địa phương có hình ảnh ứng xử chưa đẹp, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy  Nguyễn Quang Thắng giải trình, từ việc giám sát của HĐND trên địa bàn phường nhận thấy có nhiều việc cần xem lại thái độ của cán bộ, công chức. Phường đã họp kiểm điểm nội dung, yêu cầu cán bộ kiểm điểm, rút kinh nghiệm cả với lãnh đạo, tạm thời đổi vị trí cán bộ. Đồng thời tiếp tục duy trì, tăng cường giám sát, đặc biệt là lưu lại camera trong 48 tiếng để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.

Cũng nêu ý kiến giải trình, Chủ tịch UBND xã Thạch Thán Bùi Văn Giang (huyện Quốc Oai) cho biết sự việc tại xã là sai do cán bộ chưa kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Xã đã tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm ngay từ lãnh đạo và cán bộ, công chức. Xã Thạch Thán cũng đã xây dựng 3 nhóm giải pháp khắc phục là: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng quy trình, nội quy, quy chế về công việc và rõ ràng thời gian giải quyết và tăng cường giám sát từ đội ngũ lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ tốt nhất giao dịch của công dân

Thịt bán ở chùa Hương không phải là thịt thú rừng

Liên quan đến các vấn đề về quản lý lễ hội, đại biểu Hoàng Tú Anh và đại biểu Ngọc Anh chất vấn: Nhiều năm qua tình trạng bán thịt thú rừng sống ngang nhiên tại lễ hội Chùa Hương, đề nghị Chủ tịch Chủ tịc UBND huyện Mỹ Đức cho biết trách nhiệm về ai, cách giải quyết triệt để?

Trong quản lý hòm công đức tại các cơ sở đền chùa và các di tích, đại biểu Hồ Vân Nga đề nghị Giám đốc Sở VHTT làm rõ việc triển khai nhiệm vụ hướng dẫn quản lý công đức thế nào? Theo Giám đốc Sở, việc triển khai đặt và quản lý các hòm công đức thì đã đúng quy định chưa? Nếu sai trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp khắc phục.

Đại biểu Hoàng Tú Anh đề nghị Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức làm rõ công tác thanh tra kiểm tra và trách nhiệm để xảy ra tình trạng bán thịt sống, thịt động vật thú rừng vẫn còn bày bán tràn lan tại chùa Hương

Đại biểu Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Đô thị HĐND TP đặt vấn đề: Khảo sát của Ban mới đây cho thấy hoạt động trông giữ phương tiện tại đình, đền, chùa thời gian gần đây vẫn còn diễn biến phức tạp, còn nhiều sai phạm và nhiều điểm trông giữ xe không phép phát sinh, chưa được xử lý nghiêm, cụ thể như bãi xe không phép tại khu vực Phủ Tây Hồ, điểm trông xe khu vực Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cổng chùa Trấn Quốc… Đề nghị Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết nguyên nhân tại sao, trách nhiệm của quận và biện pháp khắc phục?

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng đặt vấn đề, dù chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều, tại các điểm di tích, lễ hội đều niêm yết các quy định về trang phục, việc thực hiện ứng xử văn minh, nhưng thực tế tại các khu vực này vẫn còn hiện tượng rất nhiều người mặc trang phục phản cảm tham gia lễ chùa, đặt tiền công đức không đúng quy định, nhiều di tích đặt quá nhiều hòm công đức… Đề nghị Giám đốc Sở VHTT cho biết việc đánh giá hiệu quả tuyên truyền việc thực hiện tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh đã được thực hiện chưa, và nếu chưa thì để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân và giải pháp khắc phục thời gian tới?

Trả lời các câu hỏi về việc bày bán tràn lan thịt sống, thịt thú rừng, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết hiện tượng này vẫn còn. “Vì thế, chúng tôi đã tăng cường xử lý thường xuyên. Có Ban Tổ chức lễ hội hàng ngày kiểm tra. Ngay hôm qua (14/3) đã xử lý 23 trường hợp với hơn 17 triệu đồng với các trường hợp bày bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, tại các cuộc kiểm tra đều xác định là thịt giả thú rừng chứ không phải là thịt thú rừng như báo chí phản ánh. Vì thế, chính quyền và ban quản lý lễ hội đã tăng cường quản lý và xử lý nghiêm. Cho nên, tình trạng  này đã được giải quyết từng ngày. Chính quyền huyện đã yêu cầu 400 hộ kinh doanh phải ký cam kết không bày bán thịt sống, nếu sai phạm thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong trả lời các đại biểu

Đối với quận Đống Đa, Chủ tịch quận Võ Nguyên Phong cho biết, quận có 16 lễ hội, với nhiều lễ hội quy mô hơn và có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng công an, thanh tra, các phường tập trung đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực diễn ra lễ hội. Tuy nhiên, xung quanh khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một điểm trông giữ xe tại vỉa hè phố Văn Miếu do UBND quận Đống Đa cấp phép. Để đảm bảo nhu cầu người dân đến tham quan dịp Tết, UBND Thành phố cũng cho phép đỗ xe tại khu vực Vườn Giám (từ 24 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng Mậu Tuất). Trong quá trình thực hiện, các đơn vị này có vượt quá diện tích được cấp phép, một số hộ dân tự phát trông giữ xe. Khi phát hiện, UBND quận đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm tại đây, nên sau mùng 5 Tết không còn hiện tượng này tại các khu vực của quận. Quận sẽ chỉ đạo các lực lượng kiểm tra hết các điểm đỗ xe trên địa bàn, trên cơ sở các điểm có đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ báo cáo Sở Giao thông vận tải cấp phép để đưa vào quản lý theo quy định.

Cũng tại phiên giải trình, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, về việc đặt hòm công đức, theo quy định, mỗi di tích được đặt 1 - 3 hòm công đức. Những năm qua, Hà Nội đều thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, có một số di tích có số lượng hòm công đức đặt nhiều hơn. Trong kỳ lễ hội chính, số lượng khách đến đông nên số lượng hòm công đức không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng chen lấn. Chính vì vậy, một số trụ chì tại một số di tích đã linh hoạt trong việc đặt hòm công đức. Về thực trạng của việc sử dụng tiền công đức, đối với các Di tích có ban quản lý, có sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi đều thực hiện thông qua kho bạc Nhà nước và công khai trước dân và đảm bảo theo quy định.

Về việc trang phục lễ chùa còn phản cảm, theo Giám đốc Sở VHTT cần tập trung vào việc tuyên truyền, có nhiều hình thức để làm vừa lòng du khách đảm bảo đúng tính chất của lễ hội. Một số lễ hội rườm rà, phức tạp sẽ thực hiện theo đúng nội dung, không thương mại hóa, cọi trọng lợi ích..../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực