Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch trên địa bàn Thủ đô

Thứ tư, 18/07/2018 13:51
(ĐCSVN) - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhu cầu nước sạch trở thành cấp thiết với các khu vực phát triển có tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt đối với những khu vực nông thôn khi tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch chưa được 50% dân số. Do đó, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch trên địa bàn.
Thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án
 cấp nước sạch cho người dân. (Ảnh: TH)

Phấn đấu đến năm 2020 có 100% người dân được sử dụng nước sạch

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2018 diễn ra mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, khu vực đô thị bao gồm 12 quận nội thành và thị xã Sơn Tây với tổng công suất cấp nước khoảng từ 950 nghìn - 1 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước gần đạt 100%. Tuy nhiên, tại khu vực đô thị vẫn còn một số hộ dân sử dụng nguồn nước cục bộ và chưa đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung của Thành phố.

Năm 2016, số người dân nông thôn gồm 17 huyện và thị xã Sơn Tây được sử dụng nước sạch khoảng 37,2% (còn lại là sử dụng nước nguồn giếng khoan tự đầu tư và nguồn nước mưa). Đến năm 2017, Thành phố đã nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên trên 49,4%. Đến hết tháng 5/2018, Thành phố đã chỉ đạo các nhà đầu tư thực hiện xây dựng mạng lưới cấp nước bảo đảm khả năng đấu nối cấp nước khoảng gần 52% số người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, dự kiến trong năm 2018, các dự án phát triển mạng cấp nước sẽ hoàn thành, đấu nối cấp nước bổ sung cho khoảng 244 nghìn người, nâng tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn lên 55%. Tính đến nay, Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án. Các dự án khi hoàn thành sẽ nâng tổng số xã được cấp nước sạch lên 382/416 xã, đưa người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên 94%. Dự kiến đến hết 2020 sẽ đầu tư hệ thống cấp nước toàn toàn bộ các xã, đạt tỷ lệ 100%.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư công trình nước sạch có vai trò quan trọng. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 100% người dân được sử dụng nước sạch, ngay trong năm 2018 có 4 dự án đang được đẩy nhanh tiến độ. Đó là dự án nhà máy nước Dương Nội (Hà Đông) dự kiến hoạt động quý III; dự án đầu tư xây dựng mở rộng Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì trong tháng 7 này sẽ vận hành; đặc biệt trong tháng 10 dự kiến đi vào hoạt động dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước nhà máy nước mặt sông Đuống và dự án nhà máy nước mặt sông Đà.

Giai đoạn 2019-2020 sẽ có 7 dự án cấp nước hoàn thành là: Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 2; nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2; nhà máy nước mặt sông Hồng; hệ thống cấp nước Xuân Mai; nhà máy nước Phú Sơn, Ba Vì; nhà máy nước xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh và nghiên cứu sử dụng nguồn nước hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức.

Tìm hiểu thực tế tại dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội, ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho chúng tôi biết, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/03/2013 và Quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, ngày 03/6/2016. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, trên diện tích gần 61,5ha (trong đó trên 12ha xây dựng các hồ lắng khi nước sông Đuống có độ đục cao) tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), dự án được khởi công từ tháng 3/2017. Dự án đảm bảo nước sạch tuân theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc gia QC2001 - 2009 của Bộ Y tế với yêu cầu xét nghiệm 109 chỉ tiêu cơ, lý, hóa, vi sinh. Với chủ trương áp dụng xử lý nước mặt có thể uống tại vòi, theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Khi hoàn thành Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ cung cấp nước sạch cho các khu vực phía Đông Bắc TP. Hà Nội bao gồm quận Long Biên (14 phường), huyện Gia Lâm (22 xã), huyện Đông Anh (20 xã), huyện Sóc Sơn (26 xã) và các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179; khu vực phía Nam Hà Nội: bao gồm quận Hoàng Mai (14 phường), huyện Thanh Trì (15 xã), huyện Thường Tín (29 xã) và huyện Phú Xuyên (28 xã); các khu vực thiếu nước và các vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…

“Nhờ sự chỉ đạo liên tục, sát sao của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP cùng các Sở, ban ngành, chỉ trong vòng 6 tháng đã hoàn thiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hiện hữu, tiếp nhận đầy đủ 61,5ha để triển khai dự án, đây là một tiến độ kỷ lục. Ngoài ra, trong suốt quá trình triển khai từ khi khởi công đến nay, định kỳ 2 tuần/lần, lãnh đạo Thành phố đều chủ trì giao ban để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.  Đến nay, các hạng mục xây dựng cơ bản đã được hoàn thiện mà với dự án có quy mô tương tự thông thường thời gian thi công phải mất 3 năm. Tính đến giữa tháng 7/2018, phần nhà máy nước giai đoạn 1 đã hoàn thành 90% tiến độ xây lắp, cùng với hệ thống điện sẽ hoàn thành trong tháng 8/2018 để vận hành, chạy thử, đưa vào kinh doanh khai thác với công suất 150.000 m3/ngày đêm vào ngày 10/10/2018, đúng kịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô” – Giám đốc Đỗ Văn Định khẳng định với chúng tôi.

Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, chỉ tiêu nước sạch là quyết tâm rất cao của Thành phố. Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển đồng bộ nguồn và mạng lưới cấp nước. Với 11 dự án bảo đảm tiến độ đến năm 2020 sẽ bảo đảm đúng chỉ tiêu với quy hoạch cấp nước Thành phố đặt ra đến 2030 tầm nhìn 2050.

Theo ông Quân, đến hết 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã nâng tỷ lệ được dùng nước sạch từ 37% năm 2016 đến dự kiến 55% vào cuối 2018. Như vậy, khối lượng phấn đấu đến năm 2020 còn 45%, đây là nỗ lực lớn của Thành phố và các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, Trưởng ban Đô thị cho rằng, để phấn đấu hoàn thành được chỉ tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch vào năm 2020 khối lượng công việc cần triển khai còn rất lớn. Bởi trên thực tế mới hoàn thành 9/23 dự án, còn lại trong giai đoạn khảo sát lập dự án. Như vậy tiến độ các nhà đầu tư triển khai dự án còn chậm. Do đó, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội nêu kiến nghị UBND TP cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch cấp nước, làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện. Đặc biệt là cần tăng cường kiểm tra 23 chủ đầu tư thực hiện 34 dự án để bảo đảm đúng tiến độ các dự án theo cam kết.

Tự tin với Dự án đang triển khai, Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống Đỗ Văn Định nêu rõ, dự án hoàn thành góp phần không nhỏ vào qúa trình đô thị hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô. Bởi theo yêu cầu của Thành phố, cùng với triển khai giai đoạn 1, Dự án cũng đang chuẩn bị thi công giai đoạn 2 để nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm vào năm 2020. Tiếp đó, Dự án sẽ mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 quy mô công suất sẽ là 900.000 m3/ngày đêm. Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.

Khi nêu lên khó khăn của doanh nghiệp, Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống Đỗ Văn Định cho biết, nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống đủ tiêu chuẩn nước uống tại vòi. Tuy nhiên đơn vị chỉ lắp đặt đường ống nước mới những trục chính và hệ thống ống nước vào tận nhà dân ở một số phường, xã. Như vậy, nếu nước dù đạt tiêu chuẩn uống tại vòi nhưng nếu đấu nối vào hệ thống đường ống cũ do đơn vị khác quản lý có thể ảnh hưởng chất lượng nguồn nước…

Giám đốc Đỗ Văn Định đề xuất TP Hà Nội cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nguồn nước ngầm, tiến tới dừng hẳn việc khai thác; xã hội hoá việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền người dân Thủ đô sử dụng nước sạch nhằm bảo đảm sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống…

Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống Đỗ Văn Định (thứ 3 từ trái sang)
trao đổi với các phóng viên tại hiện trường dự án nhà máy. (Ảnh:TH)

 Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay, Thành phố đã kêu gọi 23 nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án cấp nước, phủ tới 94% khu vực nông thôn. Do đó, thành phố đặt ra mục tiêu cao là đến hết năm 2020 phải cấp nước sạch tới 100% các hộ dân khu vực nông thôn, bởi đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân cũng như thế hệ tương lai. Thành phố quyết tâm phải hoàn thành cho được mục tiêu này. Do đó, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, thời gian tới lãnh đạo các địa phương phải tích cực tuyên truyền để người dân ủng hộ các chủ đầu tư; quan tâm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ và chuyển dần việc sử dụng nước ngầm sang nước mặt, vừa tránh ô nhiễm và chống lún sụt. Đồng thời, rà soát các dự án, giao ban thường xuyên để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ triển khai, trong đó chú ý đến các quy hoạch mạng lưới để đảm bảo đồng bộ, tránh lãng phí./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực