Kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Thứ bảy, 15/09/2018 23:27
(ĐCSVN) - Bạn đọc Hoa nguyen78@gmail.com hỏi về những kết quả đạt được và hạn chế bất cập về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta thời gian vừa qua như thế nào?
Hình ảnh Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Ảnh: VTV.vn

Trả lời:

* Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đó là:

- Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

- Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

*Về những hạn chế bất cập:

- Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý.

- Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.

- Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập.

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp uỷ cấp tỉnh, cấp uỷ cấp huyện chưa cụ thể hoá đầy đủ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít cấp uỷ, tổ chức đảng còn yếu, nhất là ở một số cơ sở và trong doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; việc quản lý đảng viên ở nhiều nơi thiếu chặt chẽ; công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn và trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước còn khó khăn. Nhiều trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên. Tổ chức, hoạt động của một số ban chỉ đạo và ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ có mặt còn bất cập.

- Các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp huyện, cấp xã. Số lượng, cơ cấu đại biểu dân cử chưa phù hợp, chất lượng còn hạn chế. Nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, vẫn còn tình trạng “hành chính hoá”, “công chức hoá”. Nội dung và phương thức hoạt động có lúc, có nơi chưa thiết thực, hiệu quả, thiếu sâu sát cơ sở. Cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội còn bất cập; tổ chức hội quần chúng lập nhiều ở các cấp, nhưng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực