Tăng cường truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ năm, 11/10/2018 20:06
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đang được các địa phương chú trọng và đẩy mạnh.

*Ngày 11/10, tại Trường THCS Chiềng Sung, UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Lễ phát động Chiến dịch truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng
giới tính khi sinh tại Mai Sơn, Sơn La. (Ảnh:baosonla.org.vn)

Theo số liệu thống kê năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Mai Sơn là 126 trẻ trai/100 trẻ gái. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân có tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, phải có con trai để nối dõi tông đường, sinh con trai để có chỗ dựa lúc về già… Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng không tốt tới cơ cấu dân số và chất lượng dân số trên địa bàn huyện.

Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian tới, UBND huyện Mai Sơn tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản; hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi và các cơ sở dịch vụ vi phạm quy định siêu âm, nạo phá thai…

* Tại Thái Nguyên, tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra và có xu hướng tăng. Theo thống kê, năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 112,6 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2015 là 113,7 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2016 là 116,5 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2017 là 114,5/100 trẻ gái và 9 tháng năm 2018 là 110 trẻ trai/100 trẻ gái.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10/2018, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tới Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình các huyện, thành phố, thị xã; đồng thời kêu gọi sự quan tâm hỗ trợ, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, qua đó góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

*Ngày 10/10, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ ra quân “Chiến dịch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Tuyên truyền lưu động về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
tại huyện Ba Chẽ. (Ảnh:qtv.vn)

Chất lượng dân số, công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản của huyện Ba Chẽ thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và mất cân bằng giới tính vẫn còn ở mức cao. Năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 116 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2017 là 132,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới so với nữ giới trong cùng một thế hệ, gây ra những khó khăn, bất cập trong vấn đề hôn nhân và gia đình.

 

Chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Ba Chẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi sinh đẻ sinh 2 con, kiên quyết không lựa chọn giới tính khi sinh; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, thay đổi nhận thức của mỗi người dân, quan tâm hơn nữa đến công tác bình đẳng giới.

 

Ngay sau lễ phát động, đoàn viên, thanh niên và học sinh trên địa bàn huyện đã xuống đường tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ đề và thông điệp của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước, của địa phương./.

G.Hưng (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực