Thi hành án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn

Thứ ba, 30/10/2018 11:31
(ĐCSVN) - Giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa, nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành án tham nhũng, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn…

Tại cuộc họp báo thường kỳ công tác tư pháp chiều 29/10, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, năm 2018 (từ ngày 1/10/2017 đến ngày 30/9/2018), các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 571.708 việc trong tổng số 711.990 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 80,3%, với tổng số tiền 34.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với một số việc thi hành án trọng điểm, vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã thi hành xong toàn bộ các khoản phải thi hành án gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu sung công quỹ.

Vụ Phạm Công Danh đã thi hành xong hơn 5.200 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45%; Vụ Giang Kim Đạt, Cục THADS TP. Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan xử lý các tài sản tại Hà Nội để thi hành án; Vụ Hà Văn Thắm, cơ quan THADS đang tiến hành xử lý tài sản đã thu giữ, kê biên, phong toả trong giai đoạn điều tra, xét xử gồm quyền sử dụng đất, nhà và tài sản khác như cổ phần, cổ phiếu để bảo đảm thi hành án.

Vụ Hà Văn Thắm, cơ quan THADS đang tiến hành  xử lý tài sản đã thu giữ,
kê biên, phong toả trong giai đoạn điều tra, xét xử. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) thông tin thêm, việc thi hành án tài sản trong các đại án là một nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.

“Tất cả đại án ngay trong quá trình xét xử, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương bám sát theo dõi diễn biến và chuẩn bị xây dựng kế hoạch về nguồn lực, nhân lực để tiếp nhận bản án, tiếp nhận nguồn tài liệu có liên quan, các tang vật do cơ quan toà án, điều tra bàn giao. Từ đó chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và tất cả vụ việc này đều thành lập các tổ để chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thi hành án”, ông Lực cho hay.

Đề cập đến công tác thi hành án trong các vụ đại án, ông Lực cho biết, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm bị cơ quan tố tụng tuyên buộc bồi thường hơn 800 tỷ đồng vì gây thiệt hại cho PVN khi góp vốn trái luật vào Oceanbank. Ngoài ra, những người bị kết án còn phải nộp án phí 1,4 tỷ đồng.Tuy nhiên, đến nay mới thu hồi được hơn 500 triệu đồng tiền án phí, 20 tỷ tiền bồi thường. 

“Đây là vụ việc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong thi hành án. Cơ quan điều tra đã kê biên 17.567 cổ phiếu và hiện cơ quan thi hành án đang tìm hướng xử lý các cổ phiếu và đang truy tìm các tài sản khác, cũng như xác minh các điều kiện thi hành án”- ông Lực nói.

Tại vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Oceanbank liên quan đến nguyên Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, hiện mới thi hành được 24 tỷ đồng; 5 tài sản là bất động sản cùng nhiều cổ phiếu đang được xử lý. Theo bản án phúc thẩm tuyên giữa năm 2018, tiền án phí và phải truy nộp là 71 tỷ đồng, các bị cáo phải trả cho Oceanbank 84 tỷ đồng, bồi thường cho ngân hàng gần 1.500 tỷ đồng. 

Đối với vụ Châu Thị Thu Nga, tiền án phí là 53 triệu đồng và tuyên bồi thường cho tổ chức, cá nhân trên 358,8 tỷ đồng; hiện nay đã thu 4,4 tỷ đồng bồi thường cho các cá nhân, xử lý 1 xe ô tô thu được 605 triệu đồng.

Theo ông Lực, sở dĩ kết quả thi hành án (THA) trong các vụ án còn thấp và gặp nhiều khó khăn là do số tiền thi hành án rất lớn, tài sản cơ quan điều tra thu giữ hoặc kê biên trong quá trình điều tra không đủ thi hành án. Trong quá trình thi hành án, cơ quan THA tiến hành xác minh, truy tìm tài sản của bị can, bị cáo rất khó khăn. Hầu hết đối tượng không còn tài sản khác trực tiếp đứng tên, những tài sản đối tượng đứng tên thì các cơ quan điều tra đã kê biên, do đó không có điều kiện xử lý. Cùng với đó, tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải THA; tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA với người khác mà chưa xác định rõ phần tài sản của từng người; tài sản tranh chấp... 

Mặt khác, tài sản THA thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Trong khi theo quy định Điều 57 của Luật THADS, thì phải xử lý xong tài sản ở địa phương ra quyết định THA thì mới được tiếp tục thực hiện uỷ thác THA về các địa phương khác. Như vụ Giang Kim Đạt thì tài sản ở rất nhiều nơi: Hà Nội, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh... làm kéo dài, chậm trễ thời gian tổ chức THA.../.

Thu Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực