Điểm tựa cho hội viên thoát nghèo

Thứ sáu, 21/09/2018 18:51
(ĐCSVN) - Theo đánh giá từ Hội Nông dân thành phố, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành nguồn động lực quan trọng giúp nông dân làm giàu, từ đó góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững của Thủ đô.

Báo cáo từ Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: Đến nay, với tổng nguồn vốn Quỹ HTND 513 tỷ đồng Hội Nông dân TP Hà Nội là địa phương có nguồn vốn lớn nhất, 8.000 hội viên, nông dân được hưởng lợi từ nguồn Quỹ nhiều nhất trong cả nước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap
của nông dân huyện Gia Lâm cho thu tiền tỷ mỗi năm - ảnh: HM

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, 5 năm qua, Quỹ đã giải ngân cho vay 155 mô hình điểm gắn với xây dựng mô hình kinh tế tập thể. Đáng chú ý, các dự án vay vốn xây dựng mô hình điểm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh của từng vùng đã tạo ra nhiều nông sản hàng hóa đạt chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 300 – 500 triệu đồng/năm, như: Trồng cây cảnh ở xã Đa Tốn (Gia Lâm), nuôi ba ba gai đặc sản ở xã Khai Thái (Phú Xuyên), chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi ở xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì), chăn nuôi bò sữa tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây)…

Quá trình vay vốn Quỹ HTND được tiến hành bình xét công khai, dân chủ, công tác thu hồi gốc và phí đều nhanh gọn, không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Quỹ HTND đã góp phần đáng kể tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, gắn kết nông dân với tổ chức Hội; khai thác hiệu quả thế mạnh nông nghiệp, tạo ra lượng nông sản lớn đảm bảo chất lượng; tăng liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng hình thành chuỗi sản phẩm.

Cùng với việc phát triển Quỹ, các cấp Hội Nông dân Hà Nội nhận nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.350 tỷ đồng cho trên 59.000 hộ vay; nhận ủy thác từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ trên 1.390 tỷ đồng cho hơn 25.000 hộ vay, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh; hàng năm tổ chức 14.000 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật... cho trên 1.418.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân….

Nhờ được hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi, hội viên Nông dân trên địa bàn TP Hà Nội đã tích cực tham gia phát triển các hình thức kinh tế, nhất là hình thức kinh tế tập thể. Phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn thành phố tiếp tục lan tỏa. Giai đoạn 2013- 2018, toàn TP có 1.626.165 lượt hội viên đăng ký tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, qua bình xét có 1.096.979 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp bình quân đạt 67,45% so với số hội viên đăng ký.

Đến hết năm 2017, các cấp Hội đã xây dựng được 538 mô hình kinh tế tập thể, 583 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế với 13.336 thành viên tham gia, hỗ trợ nông dân xây dựng 1.200 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Xã Cẩm Lĩnh là 1 trong nhiều cơ sở Hội trên địa bàn huyện Ba Vì thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND.

Ông Trần Đình Thành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Lĩnh cho biết: Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã xây dựng được một số dự án vay vốn Quỹ HTND các cấp. Trong đó có nhiều dự án được cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội cấp trên đánh giá hiệu quả và thành công.

Điển hình như: Dự án “Trồng bưởi diễn và nuôi gà thả vườn” vay vốn Quỹ HTND năm 2011 với số tiền 150 triệu đồng cho 15 hội viên vay. Đến nay, ngoài chăn nuôi gà, các hộ đã có vườn bưởi diễn khép tán cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Từ các hộ này mà phong trào trồng bưởi diễn của xã đã được nhân lên.

Cùng với mô hình trồng bưởi diễn, Hội Nông dân xã đã xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì. Theo ông Thành: Với địa hình, khí hậu thuận lợi, nhiều năm nay, chăn nuôi gà đồi là thế mạnh của nông dân Cẩm Lĩnh. Gần 100% các hộ trong xã có thu nhập chính từ nghề nuôi gà. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vẫn mang tính tự phát, manh mún nhỏ lẻ. Năm 2016, Hội Nông dân xã xây dựng “Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi”. Tham gia chuỗi, các thành viên phải tuân theo quy trình nuôi chung và sản xuất theo kế hoạch. Theo đó, quy trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật.

Bên cạnh bán gà thương phẩm, Hội cũng bán gà làm sẵn, khử khuẩn, đóng gói hút chân không. Hiện sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ. “Vốn vay Quỹ HTND đã tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các hộ tham gia trong chuỗi. Hiện nay, tổng số thành viên của chuỗi đã lên đến 61 hộ với đàn gà 270.000 con/năm” - ông Thành cho biết.

Theo đánh giá từ Hội Nông dân thành phố, Quỹ HTND đã trở thành nguồn động lực quan trọng giúp nông dân làm giàu, từ đó góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững của Thủ đô.

Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, Hội Nông dân TP Hà Nội đẩy mạnh việc gắn xây dựng tăng trưởng Quỹ HTND với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tập trung vào các nông sản có thế mạnh, có thương hiệu. Hội cũng đặt ra phương châm gắn hiệu quả sử dụng vốn Quỹ HTND với việc xây dựng, phát triển tổ chức Hội và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực