Nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, thu nhập cao

Thứ hai, 31/12/2018 16:51
(ĐCSVN) - Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Trong đợt kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới tại Gia Lâm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá cao hai mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Trần Văn Dàu và mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun quế của ông Nguyễn Xuân Hùng. Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, huyện Gia Lâm cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị cao.

Mô hình nuôi giun quế góp phần chống ô nhiễm môi trường

Ông Hùng (thứ 4 từ phải sang) giới thiệu về mô hình nuôi giun quế
với đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ảnh: An Nhiên

Với mô hình nuôi giun quế, ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã góp phần quan trọng vào giải quyết toàn bộ chất thải của đàn bò sữa, làm trong sạch môi trường sống nơi đây. Mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi và trồng trọt đã tạo ra những dòng sản phẩm sạch, không hóa chất phục vụ cuộc sống của người dân.

Chia sẻ về lý do lựa chọn Phù Đổng làm nơi phát triển mô hình nuôi giun quế, ông Hùng cho biết: Qua tìm hiểu nhiều nơi, ông nhận thấy địa hình và thổ nhưỡng, nguồn nguyên liệu sẵn, phù hợp để nuôi giun quế. Hơn nữa bản thân ông đã dành thời gian nghiên cứu và nhận thấy nếu nuôi giun quế ở vùng này thì sẽ giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải của các hộ chăn nuôi bò sữa.

Theo đồng chí Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, hiện xã có đàn bò với tổng khoảng 2.000 con, mỗi ngày đàn bò thải ra gần 20 tấn phân. Số phân này một phần các hộ dân sử dụng làm hầm biogas, còn hầu hết bà con đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường.

Khi xã nhận được đơn đề xuất của ông Hùng mong muốn được đầu tư nuôi giun đất, nhận thấy mô hình này có thể giúp xã giải quyết được nguồn chất thải từ bò sữa, lãnh đạo xã đã đồng ý cho triển khai.

Đầu năm 2016, ông Hùng mạnh dạn làm đơn đề xuất UBND xã Phù Đổng cho thuê khu đất thùng đào, thùng đấu của thôn Phù Đổng với diện tích 15,6 ha. Ông quy hoạch 1500 m2 đất để xây dựng khu nuôi giun quế. Diện tích đất còn lại ông Hùng quy hạch thành trang trại trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả có múi, hoa lan chất lượng cao…

Ông Hùng cho biết: Từ ngày bắt đầu với việc nuôi giun quế, mỗi tháng ông thu mua của bà con 360 tấn phân bò để thực hiện việc nuôi giun, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường ở địa phương. Nuôi giun quế là mô hình khép kín, tự sản xuất - tự tiêu thụ, kết hợp giữa 3 yếu tố: Khoa học – Môi trường – Kinh tế. Đây được xem là mô hình nghiên cứu sáng tạo, giúp xử lý chất thải nông nghiệp bằng biên pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai có quy mô.

Hiện nay, ông thu hoạch giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm, 2.500 đồng/kg phân sạch, trang trại của ông cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và trên địa bàn Hà Nội.

Ông Hùng chia sẻ: “Việc nuôi giun ngoài để bán phân sạch từ giun cho những chủ trang trại trồng cây ăn quả, những hộ dân nuôi cá cảnh; giun thành phẩm một số ít được bán còn tôi sử dụng chính để nuôi gà, vịt ngay tại trang trại. Mục đích ban đầu khi nuôi giun là giải quyết vấn đề môi trường tại Phù Đồng và tạo ra dòng khép kín trong chăn nuôi và trồng trọt nông nghiệp sạch”.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng tham quan mô hình trồng cam
theo chuẩn VietGAP của nông dân Trần Văn Dàu - Ảnh: An Nhiên

Ông vui mừng cho biết: Năm 2018, lứa cam đầu tiên trong chuỗi mô hình khép kín do ông xây dựng đã được thu hoạch. Dù doanh thu từ cam mới đạt trên 1 tỷ đồng, nhưng theo ông Hùng chỉ vài năm nữa người dân sẽ hoàn toàn được sử dụng dòng sản phẩm hoa quả, gia cầm sạch.

Sau khi mô hình nuôi giun quế ở thôn Phù Đổng đi vào hoạt động ổn định, ông Hùng tiếp tục xây dựng mô hình nuôi giun quế tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm. Cùng với đó, ông còn được nhiều nơi mời đến tư vấn xây dựng mô hình và tư vấn về kỹ thuật nuôi giun quế tại các huyện Gia Lâm, Thạch Thất…

Năm 2015, ông Nguyễn Xuân Hùng đã thành lập Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư. Hiện hợp tác xã có 10 thành viên. Ngoài việc tổ chức các buổi tuyên truyền, chia sẻ cho bà con về phát triển kinh tế, ông Hùng còn thường xuyên tìm hiểu, tham gia các diễn đàn nông nghiệp và các buổi hội thảo để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi giun quế.

Mô hình trồng cam thu về 14 tỷ đồng/năm

Ông Trần Văn Dàu là người gốc Hưng Yên, nhiều năm trước ông đến thôn Phù Dực, xã Phù Đổng thuê đất bồi ven sông bỏ hoang của người dân để trồng chuối. Với hơn 10ha chuối đã mang lại cho ông nguồn thu nhập ổn định. Trong quá trình đưa sản phẩm của trang trại ra thị trường, ông Dàu nhận thấy, vùng đất bồi ven sông rất phù hợp với việc trồng các loại cây có múi. Từ đó ông nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng cây có múi, năm 2012, ông đã mạnh dạn phá bỏ 5ha đất trồng chuối chuyển sang trồng cam Canh và Cam vinh.

Với đam mê làm kinh tế, ông Dàu nhận thấy thị trường hoa quả sạch đang là xu thế, vì vậy ông đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cam. Sau một thời gian chuyển đổi, ông đã quyết định đầu tư trồng các loại cam, bưởi trên 12 ha, với số vốn lên đến cả tỷ đồng.

Ông Dàu cho biết: Các sản phẩm từ cây ăn quả tại trang trại được đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt - Ảnh: An Nhiên

Bên cạnh việc tự học, ông Dàu tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả do các phòng kinh tế, Hội Nông dân tổ chức. Từ đó ông áp dụng vào việc trồng, chăm sóc trang trại cây ăn quả của gia đình; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả cho bà con trong vùng.

Ông Dàu chia sẻ: Các sản phẩm từ cây ăn quả tại trang trại được đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra sản phẩm ở Trang trại cây ăn quả Phù Đổng còn đăng ký truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất ở trang trại. Chính điều này làm cho người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng khi lựa chọn sản phẩm của trang trại.

Hiện các loại hoa quả trồng tại trang trại của gia đình ông đều được các thương lái đến tận vườn thu mua. Ông chia sẻ: “thực phẩm bẩn đang là vấn nạn, đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng. Bản thân tôi luôn nghĩ rằng, làm gì thì làm cái tâm của người làm vườn là trên hết, mình làm giàu nhưng cũng còn để đức cho con cái mình sau này. Trồng cam bảo dễ cũng không phải, khó cũng không phải, trồng cây gì cũng vậy luôn đòi người trồng phải dành thời gian, tâm sức ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến khu thu hoạch. Có như vậy thì sản phẩm đưa ra thị trường mới đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.”

Trải qua  6 năm xây dựng, thương hiệu hoa quả sạch tại Trang trại cây ăn quả Phù Đổng của ông Trần Văn Dàu đã trở thành địa chỉ tin cậy trong thị trường Việt Nam với thương hiệu cam Canh, cam Vinh, bưởi da xanh và bưởi Đào Chuyên… Năm 2018, theo ông Dàu dù giá không được cao như những năm trước, với sản lượng 100 tấn cam các loại, ông thu về 14 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Trải qua quá trình vất vả gây dựng, tỉ mỉ và nghiêm khắc với chính mình để cho ra sản phẩm chất lượng an toàn nhất, sản phẩm hoa quả sạch tại Trang trại cây ăn quả Phù Đổng đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Hàng hóa từ Trang trại giờ đây đã có mặt ở hầu khắp các siêu thị, cửa hàng tạp hóa đến các khu chợ ở khắp nơi trong cả nước.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, ông Dàu cho biết: Ông sẽ tiếp tục kiên trì áp dụng mô hình trang trại hiện đại, mở rộng quy mô trồng trọt, cải tạo, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cây ăn quả hiện có; đồng thời tiếp tục phát triển diện tích trồng cây ăn quả theo hướng trang trại với từng loại cây trồng phù hợp theo tiêu chuẩn ViệtGAP.

Đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm cho biết: Khi đón nhận quy hoạch vùng của huyện Gia Lâm, thì toàn bộ vùng đất bồi ở thôn Phù Dực đã được quy hoạch trồng cây ăn quả và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hiện huyện kêu gọi các hộ dân có điều kiện xây dựng mô hình trang trại cây ăn quả theo quy mô lớn như của ông Dàu và ông Hùng với tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ dân bỏ vốn, kỹ thuật trồng và chăm sóc, huyện hỗ trợ vốn làm đường giao thông, hệ thống điện từ ngoài đường chính vào các trang trại để thuận tiện cho thương lái vào thu mua./.

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực