Y tế cơ sở vẫn chưa hút được bệnh nhân

Thứ ba, 23/10/2018 10:35
(ĐCSVN) - Việc thiếu hơn 50% nhân lực y tế tại trạm y tế xã và gần 30% trạm y tế không có bác sĩ đang là những rào cản trong việc nâng cao niềm tin của người dân vào các trạm y tế xã.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, hiện có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.

11% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Ảnh: HP
Trong khi đó, hiện trên 96% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, 98,8% xã có trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực; các huyện đều có bệnh viện (BV) đa khoa, trung tâm y tế đa chức năng. Tuy nhiên, hệ thống TYT chưa phát huy được hết vai trò của mình ngoài việc xuất phát từ tâm lý của bệnh nhân và người nhà là muốn khám bệnh, chữa bệnh tại những bệnh viện lớn hoặc bệnh viện tuyến trung ương thì những tồn tại, khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật... cũng là nguyên nhân khiến các TYT chưa thu hút được bệnh nhân.

Cùng với đó, trong một thời gian dài, nhận thức và hành động của các cấp chính quyền địa phương chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều nơi chưa thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc. Cơ chế, chính sách cho y tế cơ sở chưa phù hợp đã dẫn đến chất lượng y tế cơ sở hạn chế, nhiều nơi còn yếu kém. Chính vì vậy, khi có bệnh người dân thường đến thẳng BV tuyến trên, vừa gây quá tải cho BV tuyến trên, vừa tốn kém tiền bạc của người bệnh.

Khảo sát của Bộ Y tế tại 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm để triển khai Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg giai đoạn 2018 – 2020 cho thấy, chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái có đầy đủ bác sĩ tại các trạm y tế. Hiện còn 8/26 trạm y tế (TYT) chưa có bác sĩ làm việc tại trạm tế; 9/26 chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu... Tỷ lệ các TYT xã còn thiếu bác sĩ còn khá cao, gần 30% TYT không có bác sĩ.

Tỷ lệ trung bình một xã thực hiện được 64,3% danh mục các kỹ thuật so với 76 dịch vụ trong Thông tư 39. Trong số đó, có những xã đạt dưới 50% như Cốc Mỳ (Lào Cai), Yên Nghĩa (Hà Nội), Ninh Sơn (Khánh Hòa)...  Nguyên nhân số dịch vụ kỹ thuật còn thấp là do TYT xã thiếu nhân lực: thiếu bác sỹ, thiếu cán bộ y học cổ truyền, thiếu xét nghiệm; cán bộ chưa được đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề theo qui định để có thể khám chữa bệnh BHYT;...

Cùng với đó, danh mục số lượng thuốc BHYT ở trạm y tế rất ít và thiếu nhiều loại thuốc. Trung bình mỗi xã chỉ đạt 30% sẵn có thuốc tại TYT theo Thông tư 39. Đây cũng là rào cản ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tìm đến các bệnh viện huyện, không chọn TYT xã.

Cũng do thiếu nguồn nhân lực, cán bộ phụ trách nên tại nhiều TYT xã, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến lĩnh vực y tế cổ truyền còn yếu.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW là y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ cho y tế cơ sở, tạo niềm tin cho người dân đến với y tế cơ sở, nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả nhất, từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế đã hoàn thành việc đầu tư, nâng cấp các trạm y tế xã điểm về cơ sở hạ tầng, bổ sung đủ danh mục trang thiết bị.

Thiếu hơn 50% nhân lực y tế tại 26 trạm y tế xã điểm. Ảnh:nhandan.com.vn

Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với TYT xã - phường.

Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ trạm y tế về nguyên lý y học gia đình. Đồng thời, ban hành mới và sửa đổi một số cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy vai trò là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe, có uy tín và chất lượng.

Đặc biệt, với các trạm chưa có bác sĩ, Bộ Y tế sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ. Theo đó, bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương về giúp năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh giúp cho tuyến huyện, tuyến huyện giúp cho trạm y tế xã.

Theo Bộ Y tế, với các trạm y tế chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm... Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm...

Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trung ương, BV tuyến cuối của TP.Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng KCB giai đoạn 2018-2020 cho 4 tỉnh phía Bắc gồm huyện Bát Xát (Lào Cai); huyện Trấn Yên (Yên Bái); huyện Ba Vì, Đan Phượng, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm (Hà Nội) và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).../.

TN (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực