Giao lưu trực tuyến với lãnh đạo Bộ Công an

Thứ sáu, 09/11/2012 12:57
Mời bạn đọc giao lưu trực tuyến

(ĐCSVN) - Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám - Quốc khánh 2/9 và 67 năm ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2012), sáng nay 28/8, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa đồng chí Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an với bạn đọc.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ
chụp ảnh lưu niệm với Ban Biên tập Báo Điện tử ĐCSVN trước khi diễn ra chương trình giao lưu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng:Xin kính chào đồng chí Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.

Trước hết, xin được thay mặt bạn đọc Báo điện tử ĐCSVN trân trọng cám ơn đồng chí Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã nhận lời mời giao lưu trực tuyến với bạn đọc của báo sáng hôm nay. Câu hỏi đầu tiên xin phép được đặt ra: Đồng chí có thể cung cấp cho bạn đọc của báo một cách khái quát về quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong 67 năm qua. Trong đó, có những chiến công đặc biệt xuất sắc nào đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương; những hy sinh mất mát to lớn nào của lực lượng CAND cần tuyên truyền để góp phần giáo dục thế hệ trẻ?

 Thượng tướng Đặng Văn Hiếu:Trong suốt chặng đường 67 năm qua, lực lượng CAND không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Cán bộ, chiến sỹ CAND nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân, thường xuyên rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các ngành, các cấp, các đoàn thể và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Cụ thể là:

Lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, các cấp các ngành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Chủ động phối hợp với các ngành, các cấp triển khai nhiều kế hoạch, phương án, bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lễ hội, các sự kiện chính trị, hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về những vấn đề cơ bản có tính chiến lược, xử lý các tình huống, các vụ việc phức tạp mới phát sinh. Phát hiện, ngăn chặn nhiều âm mưu, kế hoạch chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, bạo loạn; ngăn chặn âm mưu công khai hóa các tổ chức chính trị phản động trong nội địa.

Đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, phá hoại tư tưởng, chống Đảng, chống Nhà nước, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc; ngăn chặn các hoạt động tác động, chuyển hóa nội bộ.

Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo củng cố an ninh, trật tự ở các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, trực tiếp giải quyết ổn định nhiều vụ, việc phức tạp, đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại.

 Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an đã thực hiện tốt chức năng thường trực và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng, phát triển phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” kết hợp chặt chẽ với việc tiếp tục triển khai tích cực Nghị quyết 09 của Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm buôn bán người.

 Triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được tăng cường và đạt hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân tạo được sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt.

Những kết quả đó đã góp phần phục vụ thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước, là minh chứng sinh động khẳng định bản lĩnh chính trị, năng lực và sức chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ghi nhận những thành tích, chiến công của lực lượng CAND, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (19/8/1945- 19/8/2010), lực lượng CAND vinh dự được Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Bức trướng: “Công an nhân dân Việt Nam trung thành với Đảng, tận tụy với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; Đảng, Nhà nước tặng toàn lực lượng Công an nhân dân 3 Huân chương Sao vàng, 01 Huân chương Hồ Chí Minh. Các tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Công an nhân dân được tặng thưởng 12 Huân chương Sao vàng, 93 Huân chương Hồ Chí Minh; 653 lượt tập thể, 354 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quí khác.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có gần 14.000 cán bộ, chiến sĩ Công an ngã xuống, có trên 5.000 đồng chí là thương binh. Chỉ tính trong hơn 20 năm đổi mới đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, gần 900 đồng chí bị thương nặng và thương tật vĩnh viễn trong cuộc chiến đấu với các loại tội phạm.

Đồng chí Đào Ngọc Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử ĐCSVN tặng hoa Thượng tướng Đặng Văn Hiếu
 trước khi mở đầu chương trình giao lưu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Thưa đồng chí, như vậy, ngay cả trong thời bình, máu của cán bộ, chiến sĩ CAND vẫn đổ để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Về chủ đề này, chúng tôi đã nhận được câu hỏi của một bạn đọc công tác trong ngành Tuyên giáo, nội dung câu hỏi như sau: Xin đồng chí cho biết công tác chính trị tư tưởng của ngành Công an được triển khai như thế nào để động viên cán bộ, chiến sĩ CAND yên tâm công tác?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề và vinh quang của mình, lực lượng CAND phải làm tốt hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng nhằm phát huy truyền thống vẻ vang, cổ vũ, động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí cách mạng tiến công, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cụ thể là: Học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Đảng ủy Công an Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an về vai trò lãnh đạo của Đảng, về lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; vững vàng, kiên định trước mọi khó khăn, thử thách.

 Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả 6 điều Bác Hồ dạy CAND và các phong trào thi đua trong CAND, đặc biệt là Cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Chú trọng nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí tiến công tội phạm, nhận thức đúng về tình hình và những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Tiếp tục phát động, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, dân tộc, của CAND với nhiều nội dung thiết thực, hình thức sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện, tạo mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với nhân dân; chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, con thương binh, liệt sĩ…

 Đổi mới, tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng; chú trọng phát động, phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua ở từng đơn vị cơ sở và trong toàn lực lượng CAND. Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, về những chiến công, thành tích của CAND trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trong các trường CAND theo hướng vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu đào tạo cán bộ Công an thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, hạn chế sai phạm; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy chế trong công tác, các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo Điện tử ĐCSVN

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng:Thưa đồng chí Thượng tướng, bạn đọc Trần Thị Lê Hoa, công tác tại vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp đặt câu hỏi: Việc xây dựng chế độ, chính sách để động viên lực lượng trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm của Bộ Công an thời gian qua được thực hiện như thế nào? Có những chế độ chính sách gì cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành để thiết thực xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Về chế độ chính sách, trong những năm qua, Bộ Công an đã quan tâm phối hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành nhiều quy định về chế độ chính sách đối với lực lượng trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm như:

Quy định về chế độ phụ cấp đặc thù trong CAND.

Quy định về chế độ thăng cấp, nâng lư­ơng (sĩ quan, hạ sĩ quan lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu, công tác được xét thăng cấp, nâng lương cấp bậc hàm trước niên hạn; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng hoặc lập thành tích đặc biệt xuất sắc được xét thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương vượt cấp; các đồng chí lãnh đạo cấp phòng là thương binh được xem xét vận dụng thăng cấp, nâng lương cấp bậc hàm Đại tá…).

Quy định về chế độ ăn định lượng.

Quy định về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa đối với người có công (các đối tượng thân nhân liệt sĩ CAND, thương binh CAND nếu có khó khăn về nhà ở thì được xem xét hỗ trợ xây mới nhà tình nghĩa với mức tối đa là 70 triệu đồng/nhà hoặc hỗ trợ sửa chữa theo các mức 10 triệu, 15 triệu, 20 triệu, 25 triệu, 30 triệu)…

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất công tác của lực lượng CAND, chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ CAND hiện nay vẫn còn một số điểm bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết cho lực lượng CAND được hưởng một số chế độ chính sách như:

Chế độ trả lương làm việc thêm giờ, phụ cấp lưu động, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường CAND, chế độ ưu đãi đối với cán bộ làm công tác y tế trong CAND. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ chính sách đã được ban hành từ trước, đến nay có điểm không còn phù hợp như chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách hậu phương Công an…

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng chuyển câu hỏi của độc giả tới Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Thanh Hà ở Đống Đa, Hà Nội hỏi: Theo quy định của ngành CA, thì Công an phường, công an cấp đội nhiều người phải về hưu khi chưa đến 50 tuổi, trong khi tuổi này họ đang có đủ độ chín chắn về kinh nghiệm sống cũng như hiểu dân, hiểu công việc của mình mà những yếu tố đó là rất cần có ở cán bộ CA cơ sở. Ông có thấy rằng, tuổi hưu của cán bộ CA như vậy là quá sớm, gây lãng phí đáng tiếc cho lực lượng CA?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Vấn đề này Đảng uỷ Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ cũng đang xem xét và thấy vấn đề. Nhưng căn cứ vào tình hình các chế độ chính sách đặt ra căn cứ vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ vì vấn đề tuổi. Đối với lực lượng công an cũng quy định vấn đề này rất rõ. Tuổi lớn thì kinh nghiệm tốt, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ, nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiêu chí về bằng cấp, năng lực trình độ.

Chúng tôi cũng đã và sẽ cân nhắc, xem xét vấn đề này. Chủ trương của Bộ, những đồng chí tốt nghiệp PTTH trước đây 50 tuổi về hưu, nhưng  nếu đồng chí nào còn sức khoẻ, có năng lực và điều kiện phục vụ thì có thể kéo dài đến 53 tuổi. Đây cũng là yêu cầu khách quan.

Trong tình hình biên chế hiện nay, Đảng uỷ Công an Trung ươngcũng xem xét vấn đề này để có thể kéo dài thời gian phục vụ của anh em công an khi anh em còn sức khoẻ và tự nguyện phục vụ.

Về chủ trương kéo dài thời gian làm việc của cán bộ đã tốt nghiệp THPT đã được thực hiện từ năm ngoái. Sắp tới chúng tôi nghiên cứu chủ trương những cán bộ đại học không giữ chức vụ thì có thể được kéo dài hơn một vài năm nữa.

Các văn bản pháp quy đó, nếu bạn Thanh Hà quan tâm, chúng tôi sẽ cho đăng chủ trương này trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công an tham dự cuộc giao lưu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng:Thưa đồng chí Thượng tướng,bạn Anh Lê, ở Thành phố Hồ Chí Minh, hỏi: Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) về hành vi kinh doanh trái phép. Nếu trong quá trình điều tra, phát hiện sai phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì Bộ Công an có xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng không?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Vụ án Nguyễn Đức Kiên đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp nội dung cụ thể. Nhưng theo nguyên tắc, căn cứ vào mức độ vi phạm, tội đến đâu xử đến đó theo đúng pháp luật. Chúng tôi  không chịu bất cứ một sức ép nào. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực điều tra, xử lý và khi nào tòa xử công khai thì toàn dân sẽ nắm được.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Vũ Ngọc Phi (Thành ủy Nam Định) hỏi:Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới có đặt ra mục đích: “Trong thời gian tới, công tác phòng, chống tội phạm phải kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm mới”, vậy xin đồng chí Thứ trưởng Thường trực cho biết sau gần 2 năm triển khai Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, có những loại tội phạm nào đã được kiềm chế? Bài học kinh nghiệm gì cần được rút ra?

 Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị là một chủ trương chiến lược, thể hiện quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Sau gần hai năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an, sự tham gia, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tình hình tội phạm đã được kiềm chế và từng bước kéo giảm; riêng năm đầu triển khai thực hiện đã kiềm chế làm giảm 4,2% số vụ phạm pháp hình sự; 06 tháng đầu năm 2012 giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2011. Một số loại tội phạm nghiêm trọng giảm như: Cướp giật giảm 11,7%; lừa đảo giảm 3,5%; hiếp dâm giảm 2,3%; trộm cắp tài sản giảm 13,5%...

* Về một số bài học kinh nghiệm rút ra sau 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị:

Một là,công tác phòng, chống tội phạm chỉ đạt hiệu quả cao khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt thực hiện của lực lượng công an và sự ủng hộ, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, Đảng viên. Phát huy tinh thần làm chủ và vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

Ba là, lực lượng Công an vừa phải làm tốt chức năng thường trực, tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, vừa là lực lượng nòng cốt, xung kích trong tấn công, trấn áp tội phạm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Bốn là,quá trình triển khai thực hiện cần lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác; chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chọn vấn đề đột phá, điểm đột phá là rất quan trọng, từ đó chỉ đạo giải quyết, tạo sự chuyển biến cơ bản. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc.

Các biên tập viên Báo Điện tử ĐCSVN đang tác nghiệp tại buổi giao lưu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Vũ Luân, Nha Trang, Khánh Hòa hỏi: Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm khủng bố hiện nay, đặc biệt từ đầu năm đến nay ở nước ta đã có một số đối tượng xấu đặt mìn ở nhà lãnh đạo trong ngành Công an, lãnh đạo Bộ Công an nhận định như thế nào về vấn đề này và các phương án tăng cường công tác chống khủng bố, ngăn ngừa tội phạm này ra sao?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu:Trong tình hình hiện nay, tình hình khủng bố quốc tế diễn ra phức tạp ở hầu hết các châu lục. Theo số liệu chúng tôi nắm được, từ năm 2011 đã có trên 5000 vụ khủng bố làm 86 nghìn người bị thương. Để đối phó với tình hình này, hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành luật và triển khai hoạt động chống khủng bố, hợp tác chống khủng bố. Các nước xung quanh ta có Thái Lan, Inđônêxia cũng đã xảy ra khủng bố. Ở nước ta chưa có các vụ này nhưng có vụ việc mang tính quốc tế.

Thứ nhất, một số đối tượng từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam mang vũ khí, mang mìn với mục đích phá hoại.  Bộ Công an đã theo dõi và bắt giữ xử lý 4 vụ, 48 đối tượng này.

Thứ hai, việc tung các tin nhắn các đối tượng khủng bố như các chuyến bay đã phải hoãn vì có đe dọa ném bom.

Thứ ba, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ khí tự tạo, trong 10 năm nay chúng tôi đã phát hiện gần 200 vụ trả thù cá nhân. Một số vụ đang trong quá trình điều tra chưa có kết luận cụ thể.

Về vụ đặt mìn tại nhà Giám đốc công an Khánh Hòa rõ ràng là vụ trả thù cá nhân. Do đối tượng là một giám đốc doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn vì tư thù đã gây ra hành động đó. Một số vụ khác chúng tôi cũng đang điều tra làm rõ.

Nói như vậy để thấy ở nước ta chưa có vụ nào xảy ra mang tính quốc tế nhưng nguy cơ về khủng bố vẫn phải đặt ra để chủ động phòng ngừa đối phó.

Cho đến nay Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam có 3 điều: Điều 84, Điều 230A, điều 230B về phòng chống tội khủng bố. Tính đến thời điểm này chúng ta cũng đã ký 6 điều ước quốc tế liên quan đến điều luật khủng bố. Nếu ai vi phạm những điều ước trên gọi là tội phạm khủng bố. Vì thế, lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công ancũng rất quan tâm đến công tác chống khủng bố.

Bộ Công ancùng các cấp ngành địa phương cũng đang tổ chức diễn tập các phương án diễn tập khủng bố. Nguy cơ khủng bố đối với Việt Namkhông thể ngoại trừ nên chúng ta phải có những chủ động phòng chống hiệu quả.

Toàn cảnh buổi giao lưu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Huy Tưởng ởThanh Hoá hỏi: Hiện nay đang trong mùa bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn của ngành Công an được triển khai như thế nào nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu:Chúng tôi có Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và đối phó với nước biển dâng do đồng chí Thứ trưởng Thường trực làm Trưởng ban lãnh đạo các bộ phận triển khai. Khi có dự báo về bão lụt, cứu hộ cứu nạn, chúng tôi kịp thời thông báo và huy động lực lượng cùng địa phương giải quyết. Trong các trận bão vừa qua, lực lượng công an cùng lực lượng khác huy động tối đa lực lượng và phương tiện tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt, được nhân dân và chính quyền địa phương ghi nhận.

Các vụ bão lụt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi đều chỉ đạo cảnh sát cơ động giúp dân khắc phục hậu quả, có nơi một đại đội, 2 đại đội. Hàng năm dành một phần kinh phí giúp địa phương hành phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ.

Công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão trong ngành Công an được chuẩn bị kỹ, sẵn sàng chi viện sức người, phương tiện giúp địa phương phòng chống lụt bão.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Thưa đồng chí Thượng tướng, bạn đọc Hải Phi, ở Tp. Hạ Long đặt câu hỏi: Trong một số văn bản có ghi thuật ngữ tội phạm "xã hội đen", xin ông cho biết, “xã hội đen” là như thế nào? Ở Việt Nam những tỉnh, thành phố nàođã có tội phạm "xã hội đen"? Gần đây đã xuất hiện hiện tượng dùng vũ khí nóng, đó có phải là “xã hội đen" không?

 Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: “Xã hội đen” ám chỉ hoạt động của tội phạm có tổ chức nhưng manh động, ngang ngược, nguy hiểm. Thực tế luật lệ không ai gọi như vậy, đây là thuật ngữ chủ yếu dùng trong cách gọi của xã hội, trong quá trình công tác của ngành Công an chúng tôi đặc biệt tập trung vào loại tội phạm này, đã và đang rà soát lại các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, manh động.

Trong thực tế, có nhiều vụ án như thế này như: Năm Cam, Khánh Trắng, Phúc Bồ…Hiện chúng tôi đang yêu cầu các địa phương rà soát lại loại hình tội phạm này để tập trung triệt phá.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:Bạn đọc Nguyễn Hữu Chiến ở Tp. Đà Nẵng hỏi: Thưa Thượng tướng, ông có nói là vi phạm trong lực lượng CAND hàng năm là 1%, con số cụ thể đó là bao nhiêu, và có gây ra các vụ việc oan, sai hay không?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Tỷ lệ 1% vi phạm trong lực lượng là mục tiêu tối đa của chúng tôi, tuy nhiêu, nếu tỷ lệ đó càng thấp thì càng tốt. Đơn cử như năm 2011 vừa qua, tỷ lệ đó chỉ chiếm 0.3%, còn con số cụ thể hàng năm có thay đổi, có năm 0,2%, có năm 0,3%, cao nhất có năm 0,5%. Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là tỷ lệ vi phạm kỷ luật hàng năm dưới 1% trên tổng số cán bộ công chức toàn ngành.

 Trong thực tế, lực lượng nào cũng vậy, có tốt, có xấu, có người vi phạm, nhưng chỉ 1 người vi phạm sẽ làm ảnh hưởng đến toàn ngành. Quan điểm của chúng tôi là đã vi phạm thì phải xử lý và xử lý thật nghiêm. Đơn cử như vừa qua ở Thanh Hóa, cán bộ cảnh CSGT nhận hối lộ 5 triệu đồng cũng đã bị khởi tố, đồng thời đồng chí lãnh đạo bị kỷ luật, đồng chí Trưởng phòng cũng đã bị điều chuyển công tác.

Cán bộ, phóng viên Trung tâm truyền hình internet của Báo điện tử ĐCSVN
 tác nghiệp tại buổi giao lưu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Thuỳ Dương ở Đắk Lắc hỏi: thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tham nhũng nghiêm trọng, hầu hết là do người dân tố cáo. Hiện nay, Bộ Công an có những biện pháp gì để bảo vệ người tố cáo và khuyến khích tố cáo tội phạm?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Có thể nói tham nhũng là loại tội phạm được nhân dân chú ý, quan tâm. BCĐ Trung ương về Phòng chống tham nhũng duy trì đều các hoạt động, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo luôn chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đặc biệt là đối với các vụ án lớn. Thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã khám phá và xử lý rất nhiều vụ tham nhũng. Nhiều người chưa có thông tin để đánh giá đúng tình hình, nên cho là chúng ta xử lý được ít vụ tham nhũng. Thực tế số vụ tham nhũng bị phát hiện rất lớn. Ngay cả các địa phương cũng đang tập trung khám phá các vụ tham nhũng. Vừa qua, nhiều vụ bị phát hiện, xử lý: Vụ Vinashin, Vinalines...

 Phải nhìn nhận khách quan, cả phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng chúng ta đều làm có kết quả. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của nhân dân là chưa đáp ứng được.

Sắp tới, Ban Chỉ đạo có thể có sự thay đổi,  sửaluật PCTN để phát huy hiệu quả PCTN trong toàn dân.

Trong ngành công an, Đảng ủy CA Trung ương và lãnh đạo Bộ rất quan tâm công tác PCTN, có lực lượng chuyên trách đấu tranh PCTN trong ngành. Lực lượng này đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo toàn ngành làm một số việc sau:

 Công an các địa phương rà lại các vụ án tham nhũng trong thời gian qua, thúc đẩy làm kiên quyết các vụ còn tồn tại và đang làm để kết thúc trong thời gian sớm. Đây là việc làm rất cần thiết.

 Tăng cường công tác nắm tình hình. Đúng là có thực tế từ trước đến nay, chống tham nhũng được phát hiện chủ yếu qua đơn thư, báo chí, còn từ công tác đấu tranh phòng ngừa, từ chi bộ, từ phê bình và tự phê bình thì còn ít. Cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa, nắm tình hình, nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm, tiếp tục làm để xử lý tham nhũng.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành. Một vụ việc xảy ra sẽ liên quan đến nhiều ngành, nếu trong từng vụ việc cụ thể có ý kiến khác nhau sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết, xử lý. Chúng tôi cùng nội chính, toà án, tư pháp phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ việc. Đã phát hiện phải nhanh chóng điều tra, đưa ra xét xử. Các biện pháp phòng ngừa khác như kê khai tài sản… do các cơ quan thanh tra làm.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng:Nhiều bạn đọc của Báo điện tử ĐCSVN hỏi, hiện nay nhiều ô tô công vi phạm Luật giao thông, trong đó có nhiều xe biển 80B, quan điểm xử lý của Bộ Công an như thế nào?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Quan điểm của Bộ Công an là ai vi phạm, xe nào vi phạm đều xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ xe mang biển 80B, 80A, 31B hay là các loại xe công.

Đối với trường hợp ưu tiên thì rõ ràng đã có xe dẫn đường và lực lượng công an bảo vệ, còn tất cả các xe lưu thông đều phải chấp hành theo đúng pháp luật, ai vi phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Ban Biên tập Báo Điện tử ĐCSVN tại buổi giao lưu trực tuyến

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Đình Tuân hỏi: Có bao giờ đồng chí Thứ trưởng Thường trực đi “vi hành” hay không? Và nếu gặp CSGT vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Tôi thường xuyên đi công tác. Trên đường, tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo Bộ khác cũng thế, thường xuyên để ý, theo dõi CSGT, nếu có vụ việc gì phức tạp, chúng tôi sẽ dừng lại, cùng công an các tỉnh xử lý, giải quyết.

dụ, một lần về NamĐịnh, trên đường đi, một CSGT không biết xe tôi, tuýt còi dừng xe kiểm tra. Tôi dừng lại, hỏi: “ Xe có vi phạm gì mà dừng lại kiểm tra?”.

 Đồng chí CSGT đó trả lời: “Chúng tôi làm nhiệm vụ thường xuyên, nếu thấy cần thiết thì dừng xe lại kiểm tra”.

Tôi cho đó là việc làm đúng, và khẳng định: “Đây là việc làm đúng, các đồng chí cần phát huy tinh thần trách nhiệm, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”.

Không riêng tôi, các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục, Vụ, nếu đang đi trên đường, phát hiện có tiêu cực, vi phạm trong trật tự ATGT, sẽ dừng lại xử lý.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng:Một số ý kiến bạn đọc cho rằng, hiện nay người dân “ngại” tham gia tố giác tội phạm, kể cả khi thấy các hành vi phạm tội quả tang như: Móc túi trên xe ô tô buýt, trộm nhà dân, đánh bạc trái phép, các hành vi mãi lộ trên đường… vì sợ bị liên lụy, sợ bị trả thù. Vậy, quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào? Làm thế nào để chúng ta thật sự xây dựng được “thế trận lòng dân”, huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Thực tế hiện nay, bên cạnh những tấm gương, điển hình tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, vẫn có hiện tượng người dân ngại tham gia tố giác, tấn công truy bắt tội phạm vì sợ bị liên lụy, sợ bị trả thù, thậm chí ở một số nơi còn có những cán bộ, đảng viên thờ ơ, bàng quan, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vô cảm trước những tiêu cực, cái xấu trong xã hội, đúng như bạn phản ánh.

 Công tác phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh trật tự không chỉ riêng là trách nhiệm của ngành Công an mà đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, gắn trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác này, công tác này mới có thể đạt kết quả tốt. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân đều có trách nhiệm cùng tham gia tố giác tội phạm.

 Chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau đây:

 Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Hàng năm, Lực lượng CA lấy ngày 19-8 là ngày truyền thống lực lượng, cũng là ngày vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Chúng tôi tổ chức Hội nghị Điển hình tiên tiến tố giác tội phạm để biểu dương, khuyến khích các cá nhân tham gia tố giác tội phạm. Từ đó động viên toàn dân tham gia tố giác, phòng chống tội phạm.

 Hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bảo vệ người tố giác. Có chế độ chính sách thỏa đáng đối với người dân bị thương, bị hy sinh hoặc bị thiệt hại về vật chất khi tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt xung kích của lực lượng CAND trong phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an phải thực sự là chỗ dựa, phải được nhân dân tin yêu, tích cực cộng tác giúp đỡ trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự.

Tôi thường nói với anh em trong ngành: Tội phạm không hoạt động trên trời, dưới biển, mà hoạt động ở làng, xã, phường, bản. Nếu chính quyền, công an địa phương không phát hiện được, chỉ có thể do 2 lý do: vô trách nhiệm, không phát hiện được; phát hiện nhưng không xử lý. Cả 2 trường hợp đều đáng trách. Chúng ta phải củng cố cán bộ cốt cán ở cơ sở để nhân dân tin tưởng, cùng tham gia tố giác, bắt tội phạm. Tạo thành phong trào quần chúng để nhân dân tự giác chấp hành.

Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công an tại buổi giao lưu

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng:Bạn Tuấn Tú (Nghệ An) đưa ra bình luận, hiện nay một trong những nguyên nhân khiến người dân “ngại” tham gia tố giác tội phạm, kể cả khi thấy các hành vi phạm tội quả tang là dochưa có cơ chế bảo vệ người tố giác mặc dù chủ trương đã có. Vậy chủ trương đó bao giờ được hiện thực hóa, thưa ông?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Chủ trương có rồi, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ chế cụ thể. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, phải khi nào đồng tình, thống nhất thì mới triển khai thực hiện được. Bộ Công an tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với thực tế.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Đình Tăng ở Đà Nẵng hỏi: Ngày 24/2/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xin đồng chí đánh giá về kết quả sau 9 năm thực hiện Chỉ thị này, những bất cập, nguyên nhân của những tồn tại. Công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Ngày 25/5/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) có Công văn số 07-CV/TW giao Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì phối hợp với các Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW và đề xuất nội dung Chỉ thị mới của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

Ngày 08/3/2012, Đảng ủy Công an Trung ương đã có báo cáo số 92 về Tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư. Ngày 30/7/2012, Đảng ủy Công an Trung ương có Tờ trình số 80-TTr/ĐUCA đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” (dự thảo Chỉ thị đã xin ý kiến các ban, ngành có liên quan, hiện Văn phòng Trung ương Đảng đang thẩm định trước khi báo cáo Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị).

Việc ban hành Chỉ thị 22-CT/TW là một chủ trương rất đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; các Ban cán sự đảng, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên đã có trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, bức xúc về trật tự, an toàn giao thông; các giải pháp đề ra trong Chỉ thị 22-CT/TW đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả; tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm dần qua các năm.

Đảng ủy Công an Trung ương với chức trách, nhiệm vụ được giao, đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ Chỉ thị 22-CT/TW đã đề ra; từ việc lãnh đạo, xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, đến việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả thực hiện; góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư.

Một số bất cập, tồn tại trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW như: Tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết triệt để, vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra khá phổ biến. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật giao thông còn chậm và chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và tăng nhanh của phương tiện giao thông. Công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn bất cập và hạn chế một sốm lái xe tay nghề yếu, chưa quản lý được lái xe sau sát hạch…

Nguyên nhân của tình trạng trên là: Phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh (trung bình mỗi năm ô tô tăng 12%, mô tô tăng 14%) trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng; ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông của một số người tham gia giao thông còn kém. Một số cấp ủy Đảng, nhất là cấp ủy Đảng cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn bị buông lỏng như quản lý xe, quản lý lái xe. Sự phân công, phân cấp về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn có mặt chưa hợp lý; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng…

Giải phápđã được định hướng rõ trong dự thảo Chỉ thị mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, trong đó tập trung vào 05 giải pháp trọng tâm là:

(1) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

(2) Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

(3) Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải, giao thông thông suốt, an toàn.

(4) Nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông./.

(5) Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:Nhân đồng chí Thứ trưởng Thường trực có nói đến vi phạm về trật tự ATGT đây là đề tài được nhiều bạn đọc quan tâm, gửi về nhiều câu hỏi, trong đó có câu hỏi của một độc giả: Nhà cháu cách thủ đô Hà Nội 100 km, hè vừa qua cháu được lên Hà Nội, đi qua Tp.Phủ Lý, thấy có nhiều ô tô tải, ô tô khách được các chú CSGT vẫy vào, sau đó, lái xe hoặc lơ xe chạy vào gặp, rồi lại đi ngay, vậy như thế là thế nào hả bác? Liệu ngành Công an có nên công khai thủ tục kiểm tra xe ở ngay nơi công cộng hay nơi dừng đỗ xe nơi có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ được không ạ?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu:Từ lâu những vi phạm trong ngành CSGT được quan tâm không những trong tầng lớp nhân dân mà cả trong cán bộ, đảng viên. Nhân đây, tôi cũng xin báo cáo cụ thể:

CSGT hoạt động trong điều kiện rất vất vả, phần lớn anh em hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ năm 2010 đến tháng 6/2012: đã có gần 100.000 lượt CSGT không nhận hối lộ với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Có nhiều đồng chí dũng cảm truy bắt tội phạm, nhiều đồng chí hy sinh, đổ máu vì trật tự ATGT. Chúng ta phải thấy, phải ghi nhận điều đó .

Bộ Công An cũng triển khai nhiều biện pháp kiên quyết, quyết liệt có nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động công tác cán bộ của ngành CSGT, nếu phát hiện có sai phạm lập tức điều chuyển công tác.

Chúng tôi cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra đặc biệt, để phát hiện và phòng ngừa tiêu cực, thậm chí có xây dựng quy trình cụ thể, không phải có hiện tượng như cháu vừa nêu. Cũng phải thừa nhận, có những vi phạm về quy trình. Chúng tôi vẫn làm và làm cương quyết để xử lý các vi phạm bằng nhiều hình thức: hành chính kỷ luật, thậm chí điều chuyển công tác và xử lý theo quy định của pháp luật.

Phải khẳng định, bên cạnh những thành tích, những chiến công vẫn có tiêu cực, nhưng đến mức nguy hiểm, báo động thì không có, rất mong bạn đọc và nhân dân đánh giá công minh giữa công và tội để có cái nhìn khách quan hơn. Sắp tới, ngành sẽ triển khai một số biện pháp chấn chỉnh:

Một là,thành lập đội thanh tra, đi kiểm tra các chốt, tuyến, làm sao để phòng ngừa các tiêu cực, các vi phạm. Bố trí cán bộ tuần tra đã qua tập huấn và cấp giấy chứng nhận tuần tra CSGT, nghĩa là cán bộ phải đảm bảo có năng lực, trình độ học vấn và phẩm chất đạo đức mới được tham gia tuần tra, kiểm tra. Làm như thế để củng cố và nâng cao chất lượng.

Hai là,tiến hành kiện toàn lực lượng cảnh sát giao thông. Bộ vừa thành lập trường Trung cấp cảnh sát giao thông. Trước đây, trong hệ thống đào tạo của ngành chỉ có một khoa đào tạo hơn 100 học viên/ năm. Năm nay là khóa đầu tiên cố gắng tuyển sinh để có một lực lượng cảnh sát giao thông được đào tạo bài bản, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Ba là, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ CSGT từ cấp đội đến cấp phòng.

Bốn là,tổ chức giáo dục bồi dưỡng chính trị, tư tưởng.

Chúng tôi khuyến khích bạn đọc và nhân dân phát hiện, phản ánh kịp thời những vi phạm của CSGT để ngành kịp thời xử lý.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:Bạn đọc ở Long Biên, Hà Nội hỏi: chúng tôi không có nghiệp vụ công an nhưng chúng tôi cũng phát hiện được nhiều trường hợp mua bơm, kim tiêm để chích hút, hoặc nhiều ổ hoạt động mại dâm trá hình dưới hình thức nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn. Sao không thấy công an phường, công an khu vực nắm, xử lý? Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết việc xử lý công an địa bàn ở đó như thế nào?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Như câu trước tôi đã nói, tội phạm hoạt động không phải trên trời, dưới biển, mà ở ngay làng, xã, phường, thôn, làng. Nếu chính quyền, công an địa phương không phát hiện được, chỉ có thể do 2 lý do: vô trách nhiệm, không phát hiện được; phát hiện nhưng không xử lý. Cả 2 trường hợp đều đáng trách.

Đúng như bạn phản ánh, qua tin của quần chúng, chúng tôi phát hiện rất nhiều vụ về cờ bạc, mại dâm. Tuy nhiên, việc xử lý nặng nhẹ do pháp luật quy định, khó khăn trong xử lý, ví dụ về tội phạm mại dâm chỉ có thể giáo dục, phạt, và tha về, ít khi đưa ra toà. Chỉ xử lý được nếu dẫn dắt, môi giới mại dâm.

Đối với cán bộ cơ sở, chúng tôi cho rằng cần hết sức chú ý, đặc biệt với CA phường, xã, chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm của lực lượng này. Nếu có sai phạm, vi phạm xảy ra trên địa bàn họ quản lý, nếu có hiện tượng bao che, sẽ phải xử lý kỷ luật trách nhiệm, chịu kỷ luật nghiêm, thậm chí nếu vi phạm nặng, chúng tôi xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:Một nhà báo ở Hà Nội có hỏi, trong Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị có đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ: “Các cơ quan thông tin đại chúng cần tích cực tham gia vào việc phát hiện vi phạm, tội phạm; biểu dương những tấm gương tích cực phòng chống tội phạm; phê phán những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm trong công tác này”.Vậy, đồng chí có những cảm nhận gì về “liều lượng” thông tin xung quanh mảng đề tài này trên các cơ quan báo chí? Bộ Công an có đề xuất gì để các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tốt Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Công tác thông tin, tuyên truyền có vị trí hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, có tác dụng nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, cái tốt, phê phán những cái xấu, tiêu cực, định hướng dư luận.

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm luôn nhận được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, trong đó có các cơ quan báo chí. Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an luôn đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Chúng tôi coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng nhằm chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đến mọi người dân.

Các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Điện tử Đảng CSVN đã luôn đồng hành với lực lượng Công an nhân dân, đưa nhiều tin bài phản ánh các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự nhằm cảnh báo, giúp cho nhân dân chủ động phòng ngừa và tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, đồng thời, ghi nhận sự hy sinh dũng cảm, chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng CAND.

Tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân đã ký kết Chương trình phối hợp số 12/CTPH về tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, Nghị quyết số 09/CP, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015.

 Trên cơ sở đó các địa phương cũng đã tổ chức ký kết triển khai thực hiện phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm giữa lực lượng Công an và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Bộ Công an rất mong các cơ quan thông tấn, báo chí căn cứ vào nội dung đã ký kết, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả. Với vai trò trách nhiệm của mình, hàng năm chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, xác định chủ đề, giới thiệu mô hình, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định của pháp luật cho các cơ quan thông tin, tuyên truyền, đồng thời có kế hoạch phối hợp tổ chức tập huấn, trao đổi chuyên đề nhằm cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được phân công theo dõi về công tác phòng, chống tội phạm... nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị.

Các cơ quan báo chí đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp chung của Bộ Công an. Tuy nhên, có mấy hạn chế cần khắc phục. Đó là vẫn còn một số cơ quan báo chí đưa thông tin sai lệch, không được kiểm chứng; đưa lên báo một số vụ án đang trong quá trình điều tra nên nhiều thông tin không chính xác. Điều này đã dẫn đến có nhà báo bị xử lý bằng pháp luật.

Cùng với đó, những phản bác lại các luận điệu tuyên truyền, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch vẫn còn ít. Vẫn còn hiện tượng một số báo lấy thông tin từ mạng xã hội và tin đồn chưa được kiểm chứng, viết thành các bài đưa lên báo. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hại, ảnh hưởng đến chế độ chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Đáng chú ý là có quá nhiều tin, bài đưa những vụ việc tiêu cực, vi phạm rất cụ thể, nhiều lần, trên nhiều báo, nhưng những chiến công của lực lượng Công an thì chỉ một số báo nêu lên với tần suất chưa xứng đáng...

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:Thưa đồng chí, một bạn đọc là lão thành cách mạng có đặt câu hỏi: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có nhận định: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”, vậy công tác xây dựng Đảng của ngành Công an có những hạn chế như trên hay không? Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Đảng ủy Công an Trung ương được thực hiện như thế nào?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Thưa các bạn, chúng tôi luôn luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành Công an. Hệ thống tổ chức Đảng của CAND như sau: các đảng bộ cơ quan trực thuộc Đảng uỷ Công an Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc cấp uỷ các tỉnh, thành phố, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng các tỉnh, thành phố.

Đối với Đảng uỷ Công an Trung ương, chúng tôi luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Công an. Hiện nay, chúng tôi triển khai công tác xây dựng Đảng theo quyết định của Bộ Chính trị về tổ chức Đảng trong lực lượng CAND.

Trong công tác xây dựng Đảng, chúng tôi coi trọng công tác kiểm tra, đặc biệt khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra của Đảng uỷ Công an Trung ương hoạt động rất tích cực, đã xử lý nhiều vụ việc, góp phần vào sự trong sạch vững mạnh của lực lượng CAND.

Ví dụ, từ năm 2010 đến nay, đã tiến hành kiểm tra 113 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, qua kiểm tra đã phát hiện 45 trường hợp vi phạm, trong đó có 22 trường hợp phải thi hành kỷ luật.

Có thể nói, bất kỳ trường hợp nào, ở cương vị công tác nào, nếu có dấu hiệu vi phạm chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý kỷ luật. Quan điểm là kiểm tra khi có vấn đề, có vi phạm phải xử lý nghiêm.

Hiện tượng vi phạm, suy thoái về tư tưởng trong ngành Công an, tôi khẳng định là không có, nhưng vi phạm về phẩm chất, đạo đức, tư cách là có. Quan điểm của chúng tôi là, cố gắng phát hiện, đã phát hiện là phải xử lý nghiêm, bất cứ ở cương vị nào, nhằm xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:một bạn đọc ở Hưng Yên hỏi: Trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng (Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy), Bộ Công an đặt vấn đề nào là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất? Các giải pháp đặc thù của ngành Công an về vấn đề này như thế nào?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay như Nghị quyết TW4 (khoá XI) nêu đều là những vấn đề rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Trong đó, chúng tôi cho rằngvấn đề đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ CAND, Đảng uỷ Công an Trung ương đã tập trung chỉ đạo cấp uỷ các cấp trong CAND: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, tập trung vào việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ”. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, thiếu trách nhiệm trong công tác, nhất là tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong một bộ phận cán bộ chiến sĩ Công an. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đưa vào tiêu chí xếp loại thi đua đối với đơn vị, cá nhân; xử lý về trách nhiệm đối với người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị.

Đảng uỷ CATW đã ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các quy chế, quy định để tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhất là ở các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu tiếp nhận các câu hỏi của bạn đọc

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Nguyễn Cường (Hòa Bình) hỏi: thời gian vừa qua, các vụ án ma túy lớn được phát hiện nhiều, trong đó những đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt gây khó khăn cho lực lượng CAND, thậm chí có chiến sĩ đã bị thương và hi sinh. Xin Thứ trưởng cho biết, ngành đã triển khai những biện pháp nào để phòng chống tội phạm ma túy hiệu quả và bảo vệ các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Xin đồng chí cho biết, một số vụ án ma túy lớn gần đây?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu:Đúng là tình hình tội phạm ma túy rất nguy hiểm, luôn luôn là nỗi bức xúc, lo lắng của toàn thể nhân dân. Hiện nay, những vụ án ma túy không giảm, con số phát hiện hàng năm đều tăng, chứng tỏ tình hình phức tạp.

Đặc biệt những năm gần đây, loại tội phạm này đang diễn biến phức tạp do tội phạm từ bên ngoài vào, đã có hiện tượng tự chế ma túy từ trong nội địa. Ma túy vận chuyển theo tuyến từ Sơn La, Mộc Châu rất nhiều. Qua nghiên cứu cho thấy, đây là tuyến đường đến Tam Giác Vàng ngắn nhất.

Đặc biệt có hiện tượng, nhân dân hai bên biên giới có quan hệ thân thuộc, có hiện tượng lấy hàng trước trả tiền sau, bên lấy hàng nếu không bán được thì hồi lại, mỗi bên chịu 50-50, cộng với lãi cao nên đã kích thích nhiều người tham gia buôn bán. Tháng 6/2012, chúng ta đã bắt vụ buôn bán 80 bánh heroin, 800 viên ma túy và 5 khẩu súng. Đáng chú ý đã có nhiều vụ chống trả quyết liệt như vụ Hang Kia, Hòa Bình, có chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình trấn áp tội phạm.

Để ngăn ngừa và phòng chống tội phạm ma túy hiệu quả:

Thứ nhất, chúng ta đã triển khai chương trình quốc gia phòng chống ma túy ở các cấp, các ngành, trong đó quan trọng là phát động phong trào quần chúng. Thực tế, chúng ta đã triển khai rất quyết liệt nhưng tình hình không giảm, hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện vẫn cao. Các vụ vi phạm về ma túy ngày càng lớn, do đó nhất thiết phải dựa vào quần chúng nhân dân. Chỉ có quần chúng ở cơ sở mới phát hiện và phòng chống hiệu quả, minh chứng là các vụ ma túy được phát hiện, ngăn ngừa thời gian qua qua đều từ nguồn tin của nhân dân.

Thứ hai,tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như biên phòng, hải quan để kiểm soát chặt chẽ  nguồn ma túy từ biên giới vào trong nước, ngăn chặn  không cho vào nước ta.

Thứ ba,rà soát lại các vụ án ma túy để tập trung điều tra, sớm đưa ra xét xử, xử lý nghiêm loại tội phạm này để tăng cường biện pháp phòng chống ma túy.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi, hiện nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng rất cao, nhưng do việc giữ bí mật trong quá trình điều tra của cơ quan Công an nên có nhiều văn bản đóng dấu MẬT. Cơ chế người phát ngôn trong toàn lực lượng công an dường như chưa phát huy hiệu quả? Xin ông cho biết về vấn đề này?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Câu hỏi của bạn có đề cập đến việc các văn bản của Bộ Công an có nhiều văn bản có dấu MẬT quá. Tôi khẳng định, những tài liệu đóng dấu MẬT và TUYỆT MẬT đều theo quy định của pháp luật. Vấn đề quan trọng là cơ chế làm thế nào để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và trách nhiệm người phát ngôn của Bộ Công an cho cơ quan báo chí.

Hiện nay, Bộ Công an đã có trang thông tin điện tử, có đưa các bài về hoạt động của ngành và các vụ án... vì vậy bạn đọc có nhu cầu thông tin sâu xin mời đến Trung tâm Thông tin của Bộ Công an, chúng tôi có thể cung cấp thông tin đầy đủ theo quy định.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng:bạn đọc Hoàng Văn Kiên ở Ý Yên (Nam Định) và nhiều bạn đọc ở khu vực Tây Nguyên hỏi: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê bình 5 tỉnh để "tình hình tai nạn giao thông gia tăng" - chưa thấy Bộ Công an kiểm điểm Giám đốc Công an các tỉnh này. Xin đồng chí cho biết quan điểm về vấn đề này?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Vấn đề trật tự an toàn giao thông và việc để xảy ra tai nạn nhiều mà Thủ tướng Chính phủ có phê bình 5 tỉnh thì trách nhiệm để xảy ra tai nạn giao thông cũng như ùn tắc giao thông không phải chỉ là trách nhiệm của lực lượng công an, mà ở mỗi tỉnh có Ban chỉ đạo về an toàn giao thông do lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm, chứ không phải giám đốc công an chịu trách nhiệm.

Nếu có kiểm điểm thì kiểm điểm Ban chỉ đạo của tỉnh về trật tự an toàn giao thông, trong đó có lực lượng công an chứ giám đốc công an không phải kiểm điểm riêng trách nhiệm của mình. Tất nhiên, cũng có trách nhiệm nhưng chủ yếu là Ban chỉ đạo mà trong đó có thành viên là giám đốc công an tỉnh.

Tôi cho rằng, chắc là Ban chỉ đạo của các tỉnh bị Thủ tướng phê bình đã tổ chức kiểm điểm, trong đó có kiểm điểm trách nhiệm của đồng chí giám đốc công an.

Vụ tai nạn giao thông xảy ra có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có cả vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông và trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải là chính, chứ không phải là lực lượng công an. Do vậy, riêng trách nhiệm của lực lượng công an nếu có vi phạm đã tổ chức kiểm điểm.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:Một bạn đọc ở Cà Mau hỏi: Lực lượng CA Việt Namđã có những biện pháp gì để hội nhập hợp tác quốc tế nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới?

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, những năm qua, Bộ Công an tăng cường, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới. Chủ yếu theo hướng hợp tác và trao đổi thông tin với công an, các tổ chức quốc tế, Interpol.., phối hợp trong truy bắt tội phạm...

Chúng tôi cũng tiếp cận những trang bị kỹ thuật tiên tiến của các nước bạn để cải thiện trang bị, tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng.


Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng phát biểu kết thúc buổi giao lưu trực tuyến

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Qua hơn 2 tiếng giao lưu trực tuyến, vị khách mời - Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã trả lời gần 30 câu hỏi trong số hàng trăm câu hỏi do bạn đọc trong và ngoài nước gửi tới Báo.

Các câu hỏi tập trung vào những nội dung: quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân trong 67 năm qua;việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong lực lượng Công an nhân dân; Công an nhân dân thực hiện chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thực hiện thống nhất quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm tham nhũng và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cảnh báo các hành vi phạm tội khủng bố. Quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an về các vụ án lớn như Vinashin, Vinalines… và vụ án Nguyễn Đức Kiên mới đây; các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trách nhiệm của Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trong việc để tình hình tai nạn giao thông ở địa phương gia tăng; các biện pháp ngăn ngừa hành vi nhận mãi lộ trong một bộ phận Cảnh sát giao thông; Công an nhân dân quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…

Các câu hỏi đã được khách mời giao lưu - Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an trả lời thẳng thắn, đầy trách nhiệm và rõ ràng đến bạn đọc.

Buổi giao lưu trực tuyến đã thật sự là “cầu nối” giữa lãnh đạo Bộ Công an với bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần tuyên truyền ngày càng sâu rộng, có hệ thống về mọi lĩnh vực hoạt động, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, từng bước xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự là một lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Còn rất nhiều câu hỏi khác bạn đọc đã gửi đến, nhưng do điều kiện thời gian, khách mời giao lưu chưa có điều kiện trả lời trực tiếp đến bạn đọc. Những vấn đề do bạn đọc nêu ra đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, cũng như yêu cầu lãnh đạo các Tổng cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an từng bước xem xét, giải quyết.

Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 11 giờ 30 phút
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực