Chuyện về người phụ nữ 80 năm tuổi Đảng

Thứ hai, 01/07/2019 17:53
Tròn 15 tuổi, đồng chí Trương Tú Anh (tên khai sinh là Võ Thị Thiện, bí danh Sáu Điệp) đã tham gia vào công tác giao liên nội thành, trở thành người thủ lĩnh của lực lượng thanh niên phản đế, cùng các đồng chí, đồng nghiệp đấu tranh chống lại sự kìm kẹp của chế độ thực dân hà khắc...

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đến thăm
và trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trương Tú Anh.

Đồng chí Trương Tú Anh (tức Sáu Điệp), sinh năm 1923 ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Mồ côi cha mẹ khi chưa tròn 3 tuổi, cô Sáu Điệp lớn lên trong sự đùm bọc của ông bà nội, các anh chị em và bà con ở làng Hòa Tú. Lớn lên, chứng kiến cảnh đàn áp, kìm kẹp hà khắc của chế độ thực dân phong kiến, vừa tròn 15 tuổi, cô Sáu Điệp đã theo cách mạng. Hơn 2 năm làm công tác giao liên, cô đã vận chuyển rất nhiều tài liệu, đưa đón an toàn nhiều cán bộ cách mạng. Mặc dù chỉ ở tuổi 15, nhưng nhiệm vụ nào được giao cô Sáu Điệp cũng hoàn thành xuất sắc và đã được cấp trên đặc biệt tin tưởng.

Năm 1940, khi tròn 17 tuổi, cũng là lúc phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, cô Sáu Điệp được tổ chức tín nhiệm phân công phụ trách vận động phụ nữ, thanh niên vào hội phản đế, phản chiến xã Hòa Tú. Cũng trong thời gian này, đồng chí Trương Tú Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức tín nhiệm phân công phụ trách một tiểu đội ở địa phương tiến hành khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, với hỏa lực mạnh của quân địch, cũng như sự khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt của cách mạng lúc bấy giờ, tiểu đội của cô Sáu Điệp đã thất bại. Với nhiệt huyết, tinh thần quả cảm cách mạng, cô Sáu Điệp tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức cách mạng và được tổ chức phân công nhiệm vụ mới - giao liên hợp pháp của Xứ ủy Nam Kỳ, nối liền đường dây Xứ ủy Nam Kỳ về các tỉnh miền Tây. Năm 1943, tổ chức bị lộ, kéo theo đường dây giao liên bị phát hiện, cô Sáu Điệp bị địch bắt giam. Hơn 1 năm chịu cảnh ngục tù, bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng cô Sáu Điệp không hề khai báo nửa lời. Tấm lòng kiên gan, quả cảm của người phụ nữ miền Nam đầy khí phách đã chiến thắng thủ đoạn của giặc Pháp. Chúng buộc phải thả cô Sáu Điệp ra khỏi nhà tù.

Được thả tự do, chí khí, tinh thần cách mạng của cô Sáu Điệp càng thêm hun đúc, cô sớm bắt liên lạc trở lại với tổ chức cách mạng. Năm 1945, cô Sáu Điệp được tổ chức phân công kết nối, vận động anh em công nhân và người lao động ở Cà Mau làm cơ sở hỗ trợ cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa Tháng Tám -1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cô Sáu Điệp càng tích cực hoạt động và tham gia mạnh mẽ với các phong trào cách mạng, được tổ chức tín nhiệm phân công làm “Thường trực phụ nữ cứu quốc”. Giặc Pháp một lần nữa quyết truy lùng và bắt giam bằng được Sáu Điệp. Không để đồng chí mình rơi vào tay giặc, tổ chức cách mạng đã chỉ thị cho cô về công tác tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Từ năm 1954 đến 1957, đồng chí Sáu Điệp được tổ chức phân công, điều động đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng trong lòng địch từ xã Trần Hợi, đến xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời). Giặc Pháp vẫn ráo riết lên kế hoạch truy lùng, hòng bắt bằng được Sáu Điệp. Tổ chức cách mạng tiếp tục điều động cô đến công tác ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh, phụ trách công tác binh vận. Đầu năm 1960, Khu ủy điều động cô Sáu Điệp về lại Cần Thơ, giữ cương vị Phó Bí thư Xã ủy, Trưởng Ban Dân vận xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Với sự năng nổ, nhiệt tình với cách mạng, chỉ một thời gian ngắn cô Sáu Điệp đã được tổ chức tín nhiệm, đề bạt, phân công giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chính trị viên và Trưởng Ban Tuyên huấn xã Phú Hữu. Cuối năm 1963, cô Sáu Điệp được tổ chức phân công về làm Phó Bí thư kiêm Trưởng Ban Kinh tài, Trưởng Ban Tuyên huấn xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải - nay là tỉnh Cà Mau). Đến năm 1970, một lần nữa, trong thời điểm quân địch bình định khắp nơi, theo yêu cầu của tổ chức, cô Sáu Điệp được Khu ủy điều động, phân công về làm Phó Tiểu ban đăng tải thuộc Ban Kinh tài Khu ủy, khu Tây Nam Bộ. Đến năm 1973, cô được phân công về công tác ở cơ quan Đảng ủy dân chính Đảng khu Tây Nam Bộ cho đến ngày miền Nam được giải phóng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975, người đảng viên trung kiên đi qua bom rơi, lửa đạn của hai cuộc chiến – đồng chí Sáu Điệp được tổ chức điều động, phân công về làm Giám đốc Công ty Khách sạn, ăn uống và dịch vụ cho đến ngày nghỉ hưu.

Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từ thuở thiếu thời đến lúc nghỉ hưu, dù ở cương vị, công việc nào, đồng chí Trương Tú Anh vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc, gần gũi với anh em, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những ai đã từng công tác với đồng chí. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trương Tú Anh mãi là người con của cách mạng, người đảng viên cộng sản trung kiên. Đồng chí Trương Tú Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Năm 2019, đồng chí Trương Tú Anh vinh dự được tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng./.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực