"Cần phải kích cầu thì doanh nghiệp mới thoát khỏi khó khăn"

Thứ ba, 18/03/2014 22:39

(ĐCSVN)- Ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một loạt quyết định hạ lãi suất và theo đó giảm lãi suất huy động và cho vay tiền đồng xuống thêm 1%. Xung quanh sự kiện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

 

 TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực
Hội đồng quản trị LienVietPostBank (Ảnh: M.P)


Phóng viên (PV):
Hôm nay (18/3), các quyết định hạ lãi suất chủ chốt của ngân hàng bắt đầu có hiệu lực. Điều quan tâm của nhiều doanh nghiệp hiện nay lãi suất cho vay và đặc biệt là lãi suất cho vay dài hạn có giảm?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Việc quyết định điều chỉnh hạ trần lãi suất các khoản vay dưới 6 tháng của NHNN từ 7% xuống 6% và các lãi suất điều hành khác đều giảm từ 1 - 2% là một biện pháp rất tích cực và rất hợp lý của thống đốc NHNN trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Bởi vì, thứ nhất, việc hạ lãi suất này căn cứ trên các chỉ số kinh tế nhất là chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 thấp hơn so với tháng 1 và thấp hơn so với năm 2013.

Thứ hai, thay đổi cơ cấu nguồn vốn di động. Tôi thấy việc giảm lãi suất này chưa đến mức sẽ giảm nguồn huy động tiết kiệm mà chỉ có thể giảm nguồn ngắn hạn và tăng nguồn huy động trung dài hạn. Và cũng sẽ tạo ra một mặt bằng lãi suất mới cả cho vay và huy động. Có thể ví như “thuyền” và “nước” và khi nước xuống thuyền cũng sẽ xuống.

Với người cho vay là các ngân hàng thương mại như chúng tôi thì trước đây chúng tôi chỉ quan tâm cho ai vay và vay để làm gì còn hiện nay thì thêm là vay để làm gì và làm để làm gì. Dù lãi suất có hạ nữa nhưng không kích cầu thì lãi suất có hạ thấp nữa thì doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Còn với người vay là các doanh nghiệp, mặc dù lãi suất có giảm nữa nếu không kích cầu thì lãi suất có hạ nữa thì họ cũng không vay. Do vậy, cần phải kích thích tài chính công, phải là cơ chế, phải khuyến khích thị trường phát triển thì doanh nghiệp mới vay vốn để sản xuất kinh doanh.

PV: Từ năm 2012 đến nay, thông điệp hạ lãi suất được đã được thực thi tới 9 lần nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp cận với nguồn vốn vẫn khó. Có thể cái thực trạng họ không có thị trường, không có đầu ra khiến cho họ như ông nói là không biết vay để làm gì. Như vậy theo ông nếu như chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ không thôi có thể giải được cái bài toán kích cầu để tăng trưởng tín dụng lên hay không?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Chính sách tiền tệ chỉ là một phần trong "cơ thể sống" của toàn bộ nền kinh tế. Tôi nghĩ hiện nay, chính sách tiền tệ là đã làm những gì phải làm. Lãi suất cho vay hiện nay không là vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp nữa vấn đề còn lại là “cầu”. “Cầu” theo tôi có mấy vấn đề: Thứ nhất chúng ta phải sớm nới room ngoại trên thị trường chứng khoán để thu hút nguồn vốn đầu tư khác vào với lãi suất thậm chí còn rẻ hơn. Thứ hai đẩy mạnh đầu tư công. Trong lúc này huy động vốn trái phiếu chính phủ hoặc công trái dễ nhất để tạo đầu tư công mạnh lên đó là cách kích cầu lớn nhất cho lâu dài bền vững. Có như vậy tăng trưởng tín dụng mới lên được.

PV: Từ đầu năm đến nay các ngân hàng thương mại đã mua được 78 nghìn tỷ đồng tiền trái phiếu rồi. Liệu nguồn tiền này có được sử dụng vào mục đích đưa vào đầu tư công không hay lại quay ngược lại từ kho bạc nhà nước gửi lại các ngân hàng thường mại?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Về phát triển trái phiếu chính để đầu tư công để, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nghĩ ra nhiều hơn nữa các công trình quốc gia vì trong giai đoạn này huy động vốn của các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng là dễ nhất. Nếu trong một thời gian nữa khi nó đảo chiều rồi chúng ta không muốn đầu tư công cũng không được. Trong lúc này là lúc đầu tư công tốt nhất vì tiền sẽ đẻ ra tiền trong tương lai, giúp cho ngân hàng, giúp cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

PV: Với mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 6%/năm thì theo ông mức cho vay dài hạn như thế nào là hợp lý sau khi những quyết định này có hiệu lực?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Hiện nay như chúng tôi, có những món vay chỉ cho vay chưa đến 5% chứ không phải cứ căn cứ dưới 6% để cho vay 8%. Bình quân lại có món vay thấp có món vay cao. Và tôi nghĩ trong giai đoạn hiện nay, có doanh nghiệp vay có hiệu quả đã là rất tốt rồi. Chúng tôi thậm chí còn không quan tâm đến lãi suất ở mức nào mà thấy thanh khoản tốt dòng tiền tốt và để nuôi khách hàng cho tương lai chúng tôi vẫn cho vay. Cho nên tôi nghĩ rằng, việc hạ trần lãi suất này mặc dù từ 6 tháng trở lên là thỏa thuận nhưng theo như tôi vừa nói là “nước xuống thì thuyền sẽ xuống”

PV: Vậy thưa ông, đối với những khoản vay cũ thì Lienvietbank xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Tôi nghĩ không chỉ Lienvietbank mà tất cả các ngân hàng sẽ đều giảm lãi suất những khoản vay cũ xuống. Chúng tôi nghĩ là chúng tôi phải “nuôi” khách hàng đến với mình thế nên chúng tôi không thể để lãi suất quá cao. Và chúng tôi vẫn thường điều chỉnh cả lãi suất cũ xuống.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực